Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thừa nhận như vậy tại báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Theo đó, lãnh đạo NHNN cho biết, những năm qua, nhà điều hành đang tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn và sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng.
Đến nay, tình trạng cổ đông và người có liên quan của một ngân hàng thương mại sở hữu quá 5% cổ phần tại tổ chức tín dụng khác đã giảm đáng kể, chủ yếu còn tồn tại ở một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời tại Quốc hội (Ảnh: Gia Hân)
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc phát hiện và xử lý sở hữu chéo, đặc biệt các trường hợp có dấu hiệu thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất là khi cổ đông cố tình che giấu việc sở hữu thông qua cá nhân hoặc pháp nhân khác đứng tên hộ, nhằm lách quy định.
"Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Hành vi này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật", bà Hồng cho hay.
Ngoài ra, NHNN cũng gặp hạn chế trong việc chủ động tra cứu, đối chiếu thông tin về mối liên hệ sở hữu giữa các doanh nghiệp – nhất là với những đơn vị không phải công ty đại chúng. Điều này càng phức tạp hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán và công nghệ liên tục biến động, phát triển nhanh.
Theo NHNN, việc sở hữu chéo có thể liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành.
"Trong đó hiện nay còn tồn tại tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại ngân hàng thương mại là doanh nghiệp Nhà nước với tỷ lệ sở hữu khá lớn, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc yêu cầu cổ đông này thoái vốn", Thống đốc Hồng báo cáo.
Để giải quyết tình trạng sở hữu chéo có tính chất thao túng, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, kết hợp công tác thanh tra. Trường hợp phát hiện rủi ro hay vi phạm, cơ quan này sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng xử lý dứt điểm nhằm giảm thiểu nguy cơ.
Cùng với đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các bộ, ban ngành cần chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về đầu tư, góp vốn vào tổ chức tín dụng. Đặc biệt, cần đảm bảo việc sử dụng vốn vay – nhất là vốn vay ngân hàng – đúng mục đích, hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn./.
Nội dung liên quan
- Thống đốc NHNN nêu loạt giải pháp "bơm máu" cho nền kinh tế
- Thống đốc NHNN: Cho vay bất động sản tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng nền kinh tế
- Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
- Phó Thống đốc NHNN: Tiến tới xóa bỏ room tín dụng
- Phó Thống đốc: Đẩy mạnh các bước triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số