Dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay là 3,48 triệu tỷ đồng, nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này, dòng tiền sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng, giúp tín dụng vận hành hiệu quả hơn, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế sáng 21/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Năm 2025, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và thông báo ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai. Định hướng này được xây dựng trên cơ sở kiểm soát lạm phát mục tiêu từ 4,5 - 5%, đồng thời sẽ linh hoạt điều chỉnh nếu có biến động thực tế.
Song song đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng trọng điểm, như gói tín dụng thủy sản 100.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở 120.000 tỷ đồng
Ở góc độ vĩ mô, bà Hồng cho rằng để đạt được tăng trưởng kinh tế cao, cần khai thác tối đa các yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn. Bởi lẽ, bản chất nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư, do đó cần huy động cả nguồn lực trong nước lẫn quốc tế.
Từ góc độ ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN kiến nghị cần thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là cơ chế bảo lãnh vay vốn, giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.
Bà Hồng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản toàn hệ thống hiện nay đạt 3,48 triệu tỷ đồng, nhưng nhiều dự án vẫn gặp khó khăn. Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án này sẽ giúp dòng tiền lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng, góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động tín dụng.
Riêng với tín dụng nhà ở, bà Hồng khẳng định ngành ngân hàng sẵn sàng dành nguồn lực tài chính hỗ trợ, tuy nhiên, gói 120.000 tỷ đồng vẫn đang giải ngân chậm. Không phải người dân thu nhập thấp nào cũng muốn vay để mua nhà.
Trước thực trạng này, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương để đánh giá nhu cầu thực tế về sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua. Về phía ngành ngân hàng, bà Hồng khẳng định sẽ tập trung cấp tín dụng cho người thu nhập thấp có nhu cầu thực sự và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn./.