Tăng trưởng GDP quý 2/2025 của Trung Quốc đạt 5,2%
09:28 15/07/2025
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2025 giữa bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, áp lực giảm phát và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Diễn biến này càng làm gia tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải đẩy mạnh các biện pháp kích thích để duy trì đà phục hồi.
Theo số liệu công bố ngày 15/7 từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý 2/2025 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đôi chút so với mức dự báo tăng 5,1% của Reuters nhưng thấp hơn tốc độ tăng trưởng 5,4% trong quý 1.
Một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng cho thấy bức tranh không đồng đều. Doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 6,4% trong tháng 5 và thấp hơn mức kỳ vọng 5,4%.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tăng mạnh 6,8%, vượt xa mức dự báo tăng 5,7%. Đầu tư tài sản cố định trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,8%, thấp hơn nhiều so với ước tính 3,6%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giữ ở mức 5% trong tháng 6, giảm so với đỉnh 5,4% hồi tháng 2.
Bắc Kinh tung gói kích thích ứng phó thuế quan
Tháng 4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu lên tới 145% với hàng hóa Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải phản ứng mạnh. Chính phủ Trung Quốc sau đó công bố loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, trợ cấp tuyển dụng sinh viên mới ra trường và thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình đổi cũ lấy mới.
Song song đó, Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất, bơm thêm thanh khoản và triển khai nhiều chính sách kích thích để đối phó áp lực từ thuế quan.
Các biện pháp kích thích giúp duy trì ổn định trong một số lĩnh vực. Sản xuất đang hồi phục nhẹ, xuất khẩu giữ vững đà tăng khi Trung Quốc chủ động chuyển hướng sang các thị trường thay thế.
Tính đến tháng 6, xuất khẩu sang Mỹ giảm 10,9%, trong khi xuất khẩu sang ASEAN và EU tăng lần lượt 13% và 6,6%. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong nửa đầu năm giảm xuống còn 11,9%, từ mức 14,1% cùng kỳ năm ngoái.
Dù xuất khẩu và chính sách hỗ trợ giúp giữ nền kinh tế ổn định, các chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro đang âm ỉ. Báo cáo mới nhất từ cố vấn PBOC Huang Yiping đề xuất gói kích thích tài khóa 1.500 tỷ nhân dân tệ (hơn 200 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, đồng thời tiếp tục hạ lãi suất.
Theo các chuyên gia, dù tăng trưởng GDP quý 2 của Trung Quốc vượt 5%, các chỉ số như CPI yếu, PMI suy giảm, tín dụng tăng chậm và thất nghiệp trong nhóm lao động nhập cư vẫn cho thấy nội lực kinh tế còn yếu.
Để đảm bảo tăng trưởng bền vững và cân bằng hơn, Trung Quốc được khuyến nghị cần thúc đẩy các cải cách cơ cấu trong lĩnh vực tài khóa, lương hưu và tài chính./.