Chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi chính phủ nước này không nên phớt lờ làn sóng stablecoin đang lan rộng trên toàn cầu.
Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Thượng Hải (SASAC) đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 10/7 để bàn về chiến lược đối với stablecoin và tiền kỹ thuật số – nhằm phản hồi lời kêu gọi từ giới chuyên gia và các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc.

Thượng Hải "bật đèn xanh" cho stablecoin,Trung Quốc dần nới lỏng lập trường?
Sau cuộc họp, ông He Qing - Giám đốc SASAC, khẳng định Trung Quốc cần “tăng cường độ nhạy bén với công nghệ mới nổi, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu tiền số".
Như đã đưa tin, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) – lần đầu lên tiếng về những ảnh hưởng của stablecoin, đặc biệt là chiến lược tăng cường vị thế "đồng bạc xanh" của Mỹ thông qua stablecoin neo theo giá USD.
Thống đốc Pan Gongsheng (Phan Công Thắng) thừa nhận tiềm năng mang tính cách mạng của các công nghệ mới nổi như stablecoin đối với hệ thống thanh toán toàn cầu, qua đó kêu gọi giới chức thúc đẩy việc phát hành stablecoin neo theo nhân dân tệ (yuan-backed stablecoins)
Vào ngày 23/6, tờ Securities FinanceTimes – một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc – đã đăng bài viết khẳng định rằng “việc phát triển stablecoin nên được tiến hành càng sớm càng tốt.”
Ngay sau đó, giáo sư Huang Yiping (Hoàng Nghị Bình) – cố vấn của PBoC, đã đề xuất sử dụng Hong Kong làm nơi thử nghiệm phát hành stablecoin CNY, đồng thời nhận định rằng việc kiểm soát vốn nghiêm ngặt tại Trung Quốc đại lục sẽ cản trở mọi thử nghiệm trên.
“Hong Kong có thị trường giao dịch nhân dân tệ quốc tế, và nếu thị trường này phát triển, hoàn toàn có thể phát hành một loại stablecoin neo theo CNY trong tương lai”, ông Huang cho hay.

Trung Quốcđang nắm giữ khoảng 194.000 BTC, tương đương gần 16 tỷ USD (Nguồn:bitbo.io)
Trung Quốc được cho là sẽ gỡ bỏ lệnh cấm crypto trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định khả năng này rất thấp, bởi chính phủ nước này không muốn đặt 1,4 tỷ dân vào thị trường rủi ro như crypto.
Song song đó, cuộc tranh luận về việc chi trả từ vụ sập sàn FTX càng làm dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể đang cân nhắc thay đổi chính sách crypto.
Vào đầu tháng 7, FTX estate (pháp nhân xử lý phá sản của FTX) đã đệ đơn yêu cầu tòa án phá sản Mỹ, đóng băng các khoản phân bổ, đối với các chủ nợ thuộc nhóm “quốc gia bị hạn chế” – bao gồm Trung Quốc – nơi chiếm 82% tổng giá trị các yêu cầu bồi hoàn bị ảnh hưởng.

Danh sách các khu vực pháp lý có khả năng bị hạn chế (Nguồn: Kroll)
Động thái này đã gây phẫn nộ trong cộng đồng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi một số chủ nợ nhấn mạnh rằng Trung Quốc chưa bao giờ cấm sở hữu tiền mã hóa, mà chỉ cấm hoạt động giao dịch và khai thác.
Một chủ nợ Trung Quốc đã gửi đơn phản đối lên tòa án Mỹ, đại diện cho ít nhất 300 chủ nợ đang tìm cách thu hồi tài sản từ sàn FTX.
Theo hồ sơ tòa án, phiên tòa dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 22/7.
Nguồn tham khảo: Reuters