Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

"Tảng băng chìm" lãi dự thu tăng mạnh ở nhiều ngân hàng

17:53 22/05/2024

Quý đầu năm 2024, chỉ xét các ngân hàng niêm yết, có tới 17 nhà băng ghi nhận lãi dự thu tăng mạnh. Đáng chú ý là “tảng băng chìm” này đã chiếm tỷ trọng lớn đến quan ngại trong cơ cấu tài sản một số bank.

Theo thống kê của người viết, tổng số dư các khoản lãi, phí phải thu (hay còn gọi tắt là “lãi dự thu”) tại 27 nhà băng niêm yết tăng 8.700 tỷ đồng trong quý đầu năm nay. Mức tăng này phần lớn đến từ một “bank” tầm trung.

Đáng chú ý, các khoản phải thu - một tiểu khoản khác, cũng được hạch toán cùng khoản mục "Tài sản Có khác" như lãi dự thu - ở nhà băng này cũng đáng lưu tâm, đạt giá trị gần 17.000 tỷ đồng ở cuối quý 1/2024. Dù vậy, tín hiệu tích cực là nó đã giảm so với con số gần 19.000 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.

Số dư lãi, phí phải thu tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã CK: TCB) cũng gây chú ý, đạt 11.655 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý I, tăng 20,3% so với đầu năm 2024.

Trong khi đó, ở nhóm "Big 4", Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) là đại diện duy nhất ghi nhận lãi dự thu giảm, từ mức 14.762 tỷ đồng xuống còn 14.510 tỷ đồng. Cùng thời điểm, lãi dự thu của BIDV và Vietcombank lần lượt tăng thêm 343 tỷ đồng và 555,4 tỷ đồng.

“Tảng băng” lãi dự thu chiếm tỷ trọng đáng lưu ý trong cơ cấu tài sản ở một số ngân hàng vừa và nhỏ.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – Mã CK: VAB). Tại ngày 31/3/2024, nhà băng từng gắn liên với tên tuổi ông chủ Việt Phương Group – ông Phương Hữu Việt, ghi nhận số dư các khoản lãi, phí phải thu ở mức 8.237,4 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm.

Nhìn sang ABBank, một nhà băng có quy mô tương tự VietABank, con số này thấp hơn nhiều. Cụ thể, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của ABBank ở mức 144.777,1 tỷ đồng. Trong đó, số dư tài sản có khác chỉ đạt 3.857,3 tỷ đồng, tương ứng với 2,6% tài sản.

Hay tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Tính đến ngày 31/3/2024, số dư tài sản có khác được nhà băng này ghi nhận ở mức 13.411,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng các khoản lãi, phí phải thu có số dư đạt 3.921,1 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng tài sản của SeABank tại thời điểm cuối quý I năm nay (ở mức 271.613,5 tỷ đồng).

Toát lên từ tên gọi, lãi dự thu (hay lãi phải thu) dùng để chỉ các khoản lãi mà các nhà băng dự kiến/phải thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời. Chưa thu được “tiền tươi thóc thật” nhưng các nhà băng vẫn có thể bút toán khoản này vào thu nhập.

Ở thị trường Việt Nam, lãi dự thu còn là “chỉ báo” khả tín về nợ xấu tiềm ẩn. Mà sau 3 tháng đầu năm nay, nợ xấu càng thêm 'xấu' khi hầu hết các nhà băng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Còn nhớ, trước khi nhà chức trách bóc trần thực trạng trầm trọng ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi dự thu cũng là chỉ tiêu được giới phân tích đề cập đến rất nhiều trong những cảnh báo về nhà băng của bà Trương Mỹ Lan. Quy mô lãi dự thu ở SCB có lẽ sẽ là 'vô tiền khoáng hậu' trong lịch sử hoạt động của hệ thống tín dụng Việt Nam.

Tại báo cáo tài chính gần nhất được công bố trước khi vào diện kiểm soát đặc biệt (quý 2/2022), giá trị lãi dự thu ở SCB đạt 115.000 tỷ đồng. Cùng với đó là hơn 51.000 tỷ đồng các khoản phải thu.

Sự thật sau này được phát lộ, SCB thực chất đã âm vốn chủ từ lâu. Ấy vậy nhưng trước khi bị "khui", năm nào SCB cũng báo lãi trên... báo cáo tài chính./.