“Sói già” Phố Wall nói về thương chiến Mỹ - Trung: Đã là người lớn thì nên ngồi xuống nói chuyện với nhau!
05:26 25/04/2025
Sáng 9/4, ngay sau khi thức giấc, ông Trump nôn nóng dõi theo tin tức về thuế quan trên kênh Fox Business và bình luận của Jamie Dimon lập tức thu hút sự chú ý của vị tổng thống.
Sáng 9/4, ngay sau khi thức giấc, ông Trump nôn nóng dõi theo tin tức về thuế quan trên kênh Fox Business và bình luận của Jamie Dimon lập tức thu hút sự chú ý của vị tổng thống.
CEO JPMorgan nói rằng việc kết luận thương mại toàn cầu không công bằng là “hoàn toàn hợp lý” và khuyến khích các nhà hoạch định chính sách nước ngoài giữ bình tĩnh và “đàm phán một số thỏa thuận thương mại”.
“Ông ấy hiểu rõ vấn đề”, Trump lên tiếng khen ngợi. Sau đó, như đã biết, ông chủ Nhà Trắng ra lệnh dừng áp thuế đối ứng 90 ngày.
Ngồi ghế CEO JPMorgan trong gần hai thập kỷ, từng không ít lần ra tay cứu nguy cho giới bank Mỹ, Jamie Dimon là một trong những “sói già” có tầm ảnh hưởng bậc nhất Phố Wall.
Mới đây, CEO nhà băng lớn nhất nước Mỹ này đã có cuộc phỏng vấn trên Financial Times, trong đó chia sẻ nhiều quan điểm đáng chú ý về thương chiến và sức khỏe của nền kinh tế số 1 thế giới.
Người viết xin gửi tới các thành viên bài chuyển ngữ cuộc phỏng vấn này. Bài viết đã được biên tập bởi Ban quản trị DFF.VN.
"Sói già" Jamie Dimon đã đảm nhiệm ghế CEO JPMorgan trong hai thập kỷ (Ảnh: Reuters)
- Nếu có cơ hội, ông sẽ nói gì với chính quyền Trung Quốc vào lúc này để giúp xoa dịu cuộc chiến thương mại?
Tôi có đề cập tới Trung Quốc trong thư gửi cổ đông gần đây. Họ đã làm được rất nhiều điều phi thường, từ một nước có mức GDP bình quân đầu người từ 400 USD lên 15.000 USD. Đó là một bước tiến dài dù vẫn thấp hơn GDP bình quân đầu người của Mỹ - ở mức 85.000 USD.
Tuy nhiên, về thương mại, có nhiều quốc gia tin rằng Trung Quốc đã đẩy công suất sản xuất dư thừa sang các thị trường nước ngoài một cách không công bằng.
Về phía Mỹ, điều tôi nhấn mạnh trong bức thư là không nên sợ hãi. Mỹ có một vị thế rất mạnh nhờ vào hệ thống chính trị tự do và nền kinh tế thịnh vượng. Tôi cho rằng Mỹ nên hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình. Đây là điều mà Trung Quốc chắc chắn không mong muốn.
Dù vậy, tôi nghĩ Mỹ và Trung Quốc nên ngồi lại với nhau. Họ đã từng bắt đầu những cuộc đối thoại, nhưng hiện giờ có vẻ như hai bên không nói chuyện nhiều nữa.
- Vậy, theo ông, Tổng thống Trump có nên gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình không?
Tôi nghĩ việc đó nên để các nhà lãnh đạo tự quyết định cách thức phù hợp nhất. Nhưng tôi thực sự hy vọng hai bên có thể tránh khỏi những hành động trả đũa qua lại.
Người lớn thì nên ngồi xuống, nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn, lắng nghe lẫn nhau và thừa nhận khi đối phương có lý, hoặc ít nhất là có một quan điểm hợp lý.
- Trong thư gửi cổ đông, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại một cách mạnh mẽ, nhất quán và tôn trọng với Trung Quốc. Nhưng dường như hiện tại Mỹ không ở trong trạng thái đó, phải không?
Đúng vậy, hiện tại tôi không nghĩ Mỹ có bất kỳ hình thức đối thoại thực chất nào. Nhưng tôi tin rằng mọi thứ có thể bắt đầu lại, có thể ngay từ ngày mai. Việc này không nhất thiết phải chờ đến một năm. Nó có thể bắt đầu ngay ngày mai. Tất cả chỉ cần bắt đầu từ một cuộc điện thoại.
Chỉ cần một trong hai nhà lãnh đạo gọi cho bên kia, hoặc cử ai đó thay mặt mình gọi điện, sắp xếp gặp gỡ. Chúng ta từng làm điều đó với Iran và tôi cho rằng đó là một cách tiếp cận tốt.
Ông có nghĩ rằng việc tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là khả thi?
Tôi nghĩ có thể, nếu đó thực sự là mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Nhưng cá nhân tôi không đồng tình với mục tiêu đó.
Ý tôi là, bất cứ điều gì liên quan đến an ninh quốc gia thì nước Mỹ rõ ràng nên tự lực hoặc dựa vào các đồng minh thân cận. Chúng ta đã không làm điều đó, thật đáng xấu hổ.
Còn về thương mại, bất cứ thứ gì không công bằng cần phải được giải quyết, không chỉ với Trung Quốc mà với nhiều quốc gia khác nữa.
Thương mại không công bằng đã tồn tại hàng trăm năm trên khắp thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng đồng thời có rất nhiều thứ không cần quan trọng hóa, chẳng hạn như việc bạn nhập khẩu quần áo, giày dép hay đồ nội thất từ đâu.
Điều quan trọng là mục tiêu phải rõ ràng. Tôi tin rằng việc này nên được thực hiện cùng với các đồng minh.
Tôi nghĩ nếu thế giới phương Tây (Mỹ, châu Âu, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines) có thể cùng nhau xây dựng một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, rồi sau đó cùng ngồi lại với Trung Quốc và nói: "Chúng tôi sẵn sàng giao thương với các bạn, nhưng đây là những điều khoản thương mại mà tất cả chúng tôi đều cho là công bằng và hợp lý", thì đó sẽ là cách tiếp cận tốt nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bên cạnh CEO JPMorgan tại một sự kiện (Ảnh: Getty Images)
- Khi tôi nói chuyện với nhiều người trên thế giới, từ các chính phủ đến giới doanh nghiệp, có một cảm giác chung rằng, ngày nay chính nước Mỹ đang làm suy yếu trật tự toàn cầu hậu Thế chiến mà họ từng giúp thiết lập. Ông nghĩ sao về điều đó? Theo ông, điều gì nên xảy ra tiếp theo?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta không nên để 40 năm sau phải đọc một cuốn sách viết về phương Tây đã đánh mất chính mình như thế nào.
Với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ, nếu cảm thấy có sự không công bằng, dù là về thương mại hay chi phí quốc phòng, chỉ cần nêu rõ điều đó một cách thẳng thắn.
Tôi nghĩ, xét riêng về vấn đề quốc phòng, châu Âu cũng phải hiểu rằng họ cần chi tiêu nhiều hơn cho quân đội. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên rút lui khỏi liên minh quân sự với họ. Thật ra, điều quan trọng là Mỹ và các nước châu Âu vẫn phải duy trì mối quan hệ liên minh bền vững.
Tương tự như với nền kinh tế, tôi nghĩ châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa. GDP bình quân đầu người ở châu Âu từ mức bằng 70% so với Mỹ, đã giảm xuống còn 50%. Điều đó là không bền vững.
Tôi tin rằng châu Âu đã nhận ra họ cần thay đổi những quy tắc, quy định và định hướng của mình nếu muốn phát triển nhanh hơn. Và tôi nghĩ nhận thức đó là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ nên làm điều đó cùng với Mỹ.
Theo quan điểm của tôi, mục tiêu nên là củng cố châu Âu, đưa họ lại gần hơn với Mỹ, chứ không phải làm họ yếu đi hay xa cách hơn. Mọi người biết đấy, tôi nghĩ rằng việc thế giới bị phân mảnh là một ý tưởng tồi, đặc biệt là sự phân mảnh trong thế giới phương Tây.
Nếu xu hướng này tiếp tục, bạn có thể hình dung một thế giới quay trở lại giống như trước Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, nơi mà gần như mọi quốc gia đều tìm cách tự bảo vệ mình. Thật không may, điều đó có thể kéo theo sự phổ biến của vũ khí hạt nhân.
- Một số nhà kinh tế nói về việc mất niềm tin vào kinh tế Mỹ. Ông có lo lắng về điều đó không? Ông có đồng ý với họ không?
Mỹ vẫn là quốc gia thịnh vượng nhất, vẫn là một thiên đường với sức mạnh của cơ chế pháp lý. Đó chính là sức mạnh của kinh tế Mỹ với những ý tưởng, tốc độ tăng trưởng và lực lượng quân đội.
Tất cả những yếu tố này không chỉ bảo vệ nước Mỹ mà còn bảo vệ thế giới phương Tây. Tất cả sức mạnh còn nguyên nhưng đúng là đang có rất nhiều yếu tố bất định thách thức niềm tin vào nước Mỹ.
Mọi người có thể đọc về những mối lo này suốt ngày, và tôi cũng hy vọng những cuộc chiến thuế quan và thương mại này sẽ sớm lắng xuống để mọi người có thể nói rằng: "Tôi có thể tiếp tục tin tưởng vào Mỹ".
Đó cũng chính là điều tôi đã viết trong thư của mình: Nước Mỹ trước tiên chứ không phải nước Mỹ đơn độc.
Và một lần nữa, tôi không lo lắng cho thị trường bằng cách giữ cho thế giới phương Tây gắn kết, tự do và cho rằng như vậy là an toàn với nền dân chủ. Theo tôi, cách xử lý nên là củng cố các mối quan hệ kinh tế, kể cả khi một số thỏa thuận hiện tại có thể không công bằng.
Về đàm phán thuế quan
- Ông có tin tưởng Bộ trưởng tài chính Scott Bessent sẽ điều hành nền kinh tế tốt không?
Tôi hy vọng vậy. Tôi có biết một chút về anh ấy. Tôi nghĩ anh ấy là một người có kinh nghiệm, có năng lực.
Dĩ nhiên, tôi không đồng ý với mọi thứ mà chính quyền hiện tại đang làm nhưng tôi nghĩ anh ấy là người có thể đàm phán tốt các hiệp định thương mại này.
Vấn đề là những hiệp định này vô cùng phức tạp. Có tới 12.000 dòng sản phẩm khác nhau với đủ mọi yếu tố: vận chuyển, trung chuyển, hạn ngạch, thuế suất, VAT, các khoản trợ cấp. Và những vấn đề đó đã tồn tại hàng trăm năm.
Tôi nghĩ, hy vọng anh ấy có được một đội ngũ phù hợp, những người có thể ngồi lại và nói: "Chúng ta nên làm gì với châu Âu? Chúng ta nên làm gì với Nhật Bản? Chúng ta nên làm gì với Hàn Quốc?".
Tôi nghĩ họ càng sớm đạt được những gì tôi gọi là "thỏa thuận về nguyên tắc" thì càng tốt, bởi vì họ sẽ không thể đàm phán một thỏa thuận chi tiết ngay lúc này.
Nhưng họ có thể thống nhất xung quanh những điều cơ bản, những gì có ý nghĩa. Ví dụ như với châu Âu, bạn cần nhiều thiết bị quân sự hơn? Đúng. Cần thêm LNG hơn? Đúng. Giảm thuế quan? Đúng.
Bạn biết đấy, chúng ta có thể thiết lập một thỏa thuận thân thiện, có lợi cho châu Âu, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Điều đó có khả thi không? Tôi nghĩ là có. Và tôi hy vọng họ đang thực sự làm việc về điều đó, nhưng tôi không có thêm thông tin nào về tiến trình hiện tại.
- Vậy nghĩa là ông không thể nói rằng trong 3 tháng tới toàn bộ vấn đề thuế quan và thương mại sẽ được giải quyết?
Jamie Dimon: Tôi không thể nói vậy. Nếu không có giải pháp, tôi nghĩ nó sẽ chỉ tiếp tục gây ra thêm những cú sốc và bất ổn cho thị trường.
Chuẩn bị cho suy thoái
- Ông từng nói khả năng xảy ra suy thoái là 50-50. Có phải hầu như ngày nào ông cũng phải đánh giá lại rủi ro suy thoái không? Đó là một công việc khó, phải không?
Ở đây cần tách bạch giữa kinh doanh và quản trị rủi ro. Bạn không thể nào biết trước tương lai. Nếu bạn là một doanh nhân, bạn phải nhận thức suy thoái có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, tôi nghĩ rằng thật phí thời gian nếu mỗi ngày cứ lo lắng hay dự đoán suy thoái.
Khi bạn xây dựng một công ty hay một con tàu hay bất cứ thứ gì, bạn phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với mọi kịch bản có thể xảy ra.
Tôi luôn nói rằng nền kinh tế cũng giống như thời tiết, có lúc giông bão, có lúc nắng đẹp, và bạn không thể xây dựng một doanh nghiệp mà chỉ sống sót được trong một kiểu thời tiết duy nhất.
Tuy nhiên, có một số yếu tố không chắc chắn hiện nay rất đáng kể và đã tồn tại trong nhiều năm. Ví dụ như địa chính trị, thương mại, viện trợ, thuế quan, khả năng trả đũa, và cả những tín hiệu tích cực như việc nới lỏng quy định.
Những câu hỏi lớn vẫn còn đó: Liệu chúng ta có thể giải quyết ổn thỏa tình hình Ukraine không? Liệu sẽ có một giải pháp công bằng cho chủ quyền của Ukraine, cho Israel hay thậm chí là một thỏa thuận nào đó với Iran?
Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ tất cả những yếu tố đó đang tạo ra một mức độ nhiễu loạn bất thường và cực kỳ khó dự báo.
Và điều đó có thể ảnh hưởng đến cách bạn đầu tư, không phải vì bạn sợ một cuộc suy thoái, mà vì bạn đang có một góc nhìn hoàn toàn khác. Chính điều này làm bạn phải điều chỉnh chiến lược cho tương lai.
- Ông có đang bắt đầu thấy dấu hiệu tiêu cực nào đối với doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng Mỹ không?
Áp lực đối với người tiêu dùng hiện tại là rất ít. Mọi người nói rằng các chỉ số tín dụng đang xấu đi, nhưng theo tôi nó chỉ mới trở về mức bình thường thôi. Người tiêu dùng không còn khoản tiền tiết kiệm dư dả từ Covid nữa, nhưng họ vẫn tiếp tục chi tiêu.
Thật ra, rất khó để biết họ chi tiêu vì thực sự có nhu cầu hay vì lo ngại rằng thuế quan sẽ khiến giá cả cao trong tương lai. Ví dụ, doanh số bán ô tô đã tăng lên trong vài tuần qua. Nhưng nếu thất nghiệp bắt đầu tăng thì khi đó bạn mới thấy người tiêu dùng thực sự bị căng thẳng và tiếp theo là nợ xấu tăng, giá nhà giảm, rồi tác động lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
Hiện tại các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tốt và có lãi nhưng tôi nghĩ bây giờ không có gì là chắc chắn nữa.
Trong 3-4 tháng tới, từng công ty sẽ lần lượt công bố kết quả kinh doanh, và khi đó bạn sẽ nghe họ nói về việc thuế quan, chi phí và sức mua của người tiêu dùng đã ảnh hưởng thế nào đến doanh số.
Một số công ty có thể bị ảnh hưởng nặng, nhưng một số khác lại có thể hưởng lợi từ những thay đổi này. Vì vậy, bức tranh chưa rõ ràng ngay bây giờ. Nhưng theo thời gian, bạn sẽ thấy được ai chịu tác động và ai ngoài vòng ảnh hưởng.
Thực ra, không có doanh nhân nào mà tôi trò chuyện gần đây lại không cảm thấy một chút bất an khi họ cố gắng hiểu rõ điều gì thật sự đang xảy ra.
- Cách đây vài tháng, nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn thể hiện sự lạc quan ở Davos. Mọi người đều phấn khởi với những chính sách cắt giảm thuế, nới lỏng quy định và dường như ai cũng hạ thấp mọi rủi ro tiềm năng. Ông còn nhớ họ chứ?
Tôi nhớ chứ. Nhưng tôi cũng nhớ là mình không nằm trong số những người lạc quan đó.
Gói QE thời Covid là "miếng bánh tẩm độc" cho kinh tế Mỹ
- Ông có nghĩ rằng Phố Wall và các tập đoàn Mỹ đã đánh giá thấp tính cách mạng trong chính sách của chính quyền hiện tại không?
Tôi nghĩ có là có. Và như tôi đã từng nói, chủ nghĩa đặc biệt của người Mỹ luôn mang trong mình một cái bẫy rất lớn. Đó là chúng ta đã vay mượn quá nhiều kể từ sau đại dịch Covid.
Trong 5 năm, chúng ta đã vay và chi khoảng 11 ngàn tỷ đô la. Và số tiền đó rơi thẳng vào tay người tiêu dùng. Họ có rất nhiều tiền mặt dư thừa, nợ xấu giảm xuống và họ đã chi tiêu rất mạnh tay.
Điều đó, dĩ nhiên, đã tạo ra một phần lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và kéo theo lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên. Đó chính là miếng bánh tẩm độc của nền kinh tế, như tôi hay ví von.
Bạn biết đấy, khi một nền kinh tế chi tiêu mạnh như vậy, sẽ luôn có mặt trái, và sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với thử thách. Tôi tin rằng nước Mỹ có những yếu tố đặc biệt, nhưng không phải là hoàn toàn miễn nhiễm với các quy luật kinh tế.
Nếu châu Âu, chẳng hạn, vay thêm 1 ngàn tỷ đô la và chi tiêu, GDP của họ chắc chắn sẽ tăng lên khoảng 1 ngàn tỷ đô la. Nhưng sau đó, họ cũng sẽ bị y hệt như chúng ta thôi, chỉ là họ chưa đi xa đến mức như Mỹ đã làm.
Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng thời điểm đó có một sự phấn khích quá mức trong nền kinh tế. Tôi đã cảm thấy như vậy vào thời điểm ấy. Và khi họ công bố các chính sách thuế quan, nó nằm ngoài dự đoán. Điều đó đã gây sốc cho hệ thống, không chỉ với nước Mỹ mà cả với nền kinh tế toàn cầu.
Dù một số chính sách đã được điều chỉnh lại, nhưng vẫn không rõ ràng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta dường như đang sống trong trạng thái ngày nào biết ngày đó.
- Ông có nghĩ rằng, đằng sau tất cả những điều này có một kế hoạch lớn nào không? Tôi nghe các quan chức chính quyền hay nhắc tới cụm từ "quá trình chuyển đổi", nhưng đích đến thật sự của quá trình này là gì?
Thực lòng mà nói, tôi không biết. Cô phải hỏi chính họ thôi. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đích đến là một điều gì đó hợp lý. Tôi hiểu rằng chúng ta cần tái đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, đặc biệt là khi nói về an ninh quốc gia và thương mại công bằng.
Tôi tin rằng điều đó là đúng đắn. Thực tế thì hiện nay chúng ta đang nói nhiều về sản xuất, nhưng sản xuất không có nghĩa là những công việc giá trị thấp như giày dép, hàng dệt may, đồ nội thất hay lắp ráp máy nướng bánh mì. Nó còn bao gồm cả những sản phẩm có giá trị cao nhất thế giới.
Vì vậy, nếu chúng ta cần điều chỉnh điều gì đó thì nên sửa chữa một cách hợp lý, có cân nhắc.
Theo quan điểm của tôi, mục tiêu dài hạn nên là củng cố các liên minh toàn cầu, hỗ trợ châu Âu giải quyết những vấn đề của họ, chỉ ra những điểm yếu, nhưng đồng thời giúp họ vượt qua. Và quan trọng hơn phải hiểu rằng trên trường quốc tế, không bao giờ chỉ có một con đường đúng duy nhất. Khi tôi đến châu Âu, tôi thường nghe những lời phàn nàn rằng: "Người Mỹ các anh thường thế này, thế kia". Và thật sự họ có lý.
Tôi hy vọng rằng sự tỉnh táo sẽ thắng thế, rằng chúng ta có thể hoàn thành những gì cần làm, đạt được mục tiêu mà tổng thống đặt ra, nhưng đồng thời vẫn giữ được sự đoàn kết của thế giới phương Tây, về mặt quân sự lẫn kinh tế. Đối với tôi, đó là điều quan trọng nhất, cực kỳ quan trọng./.