Quan điểm trên được nhóm phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nêu trong báo cáo Kinh tế vĩ mô & Chiến lược chứng khoán tháng 7/2025 vừa công bố.
Theo SHS, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2025, đặc biệt là nhịp phục hồi mạnh mẽ sau "cú sốc thuế quan". Hiện tại, VN-Index đang ở vùng giá 1.380 điểm, vượt lên vùng giá trước thời điểm khủng hoảng do áp thuế, và đứng trước thời điểm mức thuế mới sẽ được áp đặt sau thời gian tạm hoãn.
Nhóm phân tích của SHS cho rằng, đặc điểm của thị trường lúc này là "mức định giá không còn rẻ".
VN-Index và VN30 đã đi từ trạng thái quá bán về vùng giá rẻ, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn trong đầu tháng 4/2025, hướng đến vùng quá mua trong đầu tháng 7/2025. VN30 hiện đang tiến sát vùng 1.500 điểm - mức trung bình trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, khi thị trường tạo đỉnh trước khi điều chỉnh mạnh.
SHS cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2025, VN30 rất khó có thể vượt lên vùng đỉnh lịch sử năm 2022. Trong khi đó, VN-Index sẽ hướng đến vùng giá mục tiêu quanh 1.420 điểm. Với đặc điểm của thị trường có tính chất luân chuyển vào các mã, nhóm mã chưa phục hồi nhiều, giá chưa trở lại vùng giá cao nhất trước thời điểm áp thuế tương tự như VN-Index, VN30.

Theo SHS, tính đến cuối tháng 6/2025, tổng vốn hóa toàn thị trường đạt khoảng 310 tỷ USD, tương đương 65% GDP năm 2024. Đây vẫn được xem là mức tương đối hấp dẫn nếu xét triển vọng tăng trưởng, quy mô GDP năm 2025 và 2026.
"Định giá P/E của VN-Index ở mức 14,1 - gần bằng mức P/E trung bình 3 năm (14,7) và trung bình 5 năm (16,7). Mức P/E Forward 11,54 vẫn được xem là tương đối hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay", SHS nhận định.
4 yếu tố thúc đẩy thị trường
Hiện tại, thị trường đang bước vào giai đoạn cuối đàm phán thương mại, tạm hoãn áp thuế. SHS cho rằng, những ảnh hưởng thuế quan có thể dần phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 và quý 4/2025.
Trong ngắn hạn, thị trường cần thời gian để hấp thụ và cập nhật các yếu tố cơ bản, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý 2/2025 của các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thay đổi thuế.
4 động lực chính trong giai đoạn cuối năm bao gồm: Hoàn tất đàm phán thương mại, mức thuế đối ứng thấp; nền kinh tế và doanh nghiệp duy trì tăng trưởng, lãi suất duy trì nền thấp; kỳ vọng động lực tăng trưởng mới từ nghị quyết 57-59-66-68-NQ/TW 2025; và nâng hạng thị trường./.