"Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng", PVI cho biết. Dù vậy, công ty này khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Không chỉ riêng PVI, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành bảo hiểm cũng “dính” nặng với đợt bão lũ kinh hoàng này.
Theo đó, tính đến ngày 10/9, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) đã ghi nhận tổng cộng 437 vụ yêu cầu bồi thường những thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra. Dựa trên đánh giá sơ bộ, Bảo Việt ước tính tổng giá trị tổn thất của các vụ bồi thường lên tới gần 385 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã ghi nhận tổng cộng 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng.
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI) cũng ghi nhận tổng cộng trên 400 vụ tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản, hàng hải và xe cơ giới. Số tiền bồi thường ước tính cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài tài sản, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng ghi nhận các vụ nhiều tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị thiệt hại do bão Yagi.
Cụ thể, tới chiều 9/9, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam) ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do bão Yagi gây ra, tổng quyền lợi bảo hiểm khoảng 6,5 tỷ đồng.
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) cũng xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở Yên Bái. Số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỷ đồng./.