Nguyễn Thiên Phúc Anh Thứ Tư, 31/7/2024, 17:37 (GMT+7)
Người theo dõi

Công ty bảo hiểm của BIDV 'đút túi' gần 2 tỉ lợi nhuận mỗi ngày

Ghi nhận 168,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2024 (+31,2% so với cùng kỳ), tương ứng bình quân mỗi ngày, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (Mã CK: BIC) đã 'đút túi' 1,9 tỉ đồng tiền lãi.
Screenshot_20240731_160708_Samsung Internet.jpg

Số liệu đó được BIC nêu trong báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố.

Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm mà BIC ghi nhận cho 91 ngày hoạt động trong quý vừa qua đạt 1.390,5 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ 2023; trong khi doanh thu hoạt động tài chính có chiều hướng giảm (-9,8% svck), đạt 105,4 tỷ đồng.

Ở hướng ngược lại, chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ đạt mức 847,1 tỷ đồng (+24,6% svck); Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,7%, lên 173,3 tỷ đồng; Chi phí tài chính giảm 2,7%, về mức 4,4 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, BIC ghi nhận lãi ròng quý II/2024 đạt 168,9 tỷ đồng, tăng mạnh 31,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của BIC đều tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 2.109,0 tỷ đồng (+18,7% svck) và 353,4 tỷ đồng (+35,1% svck).

So với mục tiêu lợi nhuận trước thuế mà ĐHĐCĐ đã đề ra cho niên độ 2024, BIC đã đi được 59%.

Kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam  (HOSE_ BIC).png

Chốt tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của BIC đạt 8.153,3 tỷ đồng, tăng 603,1 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tỉ trọng lớn nhất, với 5.586,2 tỷ đồng, tăng 536,8 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, 4.897,2 tỷ đồng trong số đó là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Trong kỳ, BIC đã rót thêm 278,9 tỷ đồng cho đầu tư chứng khoán kinh doanh, nâng tổng giá trị ghi nhận của mục này tại cuối quý II/2024 lên 711,5 tỷ đồng.

Các tài sản đáng chú ý khác của BIC là tài sản tái bảo hiểm trị giá 864,8 tỷ đồng, giảm 178,3 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; các khoản phải thu của khách hàng trị giá 254,0 tỷ đồng, giảm 28,4 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của BIC ở mức 5.403,6 tỷ đồng, tăng 637,4 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Dự phòng nghiệp vụ của BIC ở mức 3.532,4 tỷ đồng; phải trả cho người bán ngắn hạn là 611 tỷ; vay và nợ thuê tài chính là 180 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV; mã chứng khoán: BID) - nhà băng số 1 hệ thống về quy mô tài sản - vẫn là công ty mẹ của BIC với tỉ lệ sở hữu trên 51%, tính đến thời điểm hiện tại.

Người BIDV, theo đó, vẫn chi phối các vị trí chủ chốt ở BIC, như Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Hoàng (thành viên HĐQT BIDV). Tổng Giám đốc Trần Hoài An từng công tác trong ngành hải quan, trước khi ra nhập hệ thống BIC vào năm 2009, rồi thăng tiến mạnh mẽ trong giai đoạn mà người thân trong gia đình nắm trọng quyền ở BIDV./. 

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên