Nikola vừa thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản và bắt đầu quá trình thanh lý tài sản. Đây là cái tên tiếp theo gục ngã trước cơn bão khủng hoảng của thị trường xe điện toàn cầu.
"Giống như nhiều công ty khác trong ngành xe điện, chúng tôi đã phải đối mặt với quá nhiều yếu tố bất lợi từ thị trường lẫn kinh tế vĩ mô", CEO Nikola Steve Girsky cho hay. "Đáng tiếc, dù đã nỗ lực hết sức, chúng tôi vẫn không thể vượt qua những thách thức này", ông nói thêm.
Trong phiên 19/2, cổ phiếu Nikola lao dốc 38%, kéo giá trị vốn hóa công ty rơi xuống dưới 50 triệu USD. Đây là một cú trượt dài không tưởng nếu so với thời hoàng kim năm 2020, khi Nikola được định giá tới 27 tỷ USD - cao hơn cả mức định giá của Ford Motor vào thời điểm đó.
Nikola cho biết họ sẽ bán tài sản để tối đa hóa giá trị và đảm bảo quá trình giải thể diễn ra trật tự. Hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ vận hành một số dòng xe tải hiện có cũng như hệ thống trạm tiếp nhiên liệu hydro, ít nhất đến cuối tháng 3/2025.

Theo hồ sơ gửi lên tòa án phá sản Mỹ tại Delaware, Nikola hiện có năng lực sản xuất 2.400 xe mỗi năm. Tuy nhiên, công ty này đang rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, với tài sản từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD nhưng nợ phải trả lên tới 1-10 tỷ USD.
Lượng tiền mặt của Nikola cũng sụt giảm nhanh chóng, từ 464,7 triệu USD vào cuối năm 2023 xuống còn 198,3 triệu USD vào cuối tháng 9/2024. Khi bước vào quy trình phá sản, công ty chỉ còn vỏn vẹn 47 triệu USD tiền mặt.
Nikola không phải là cái tên duy nhất gục ngã khi thị trường xe điện lao dốc. Hàng loạt startup đình đám từng ôm mộng "cách mạng hóa" ngành công nghiệp này như Fisker, Proterra, Lordstown Motors cũng lần lượt tuyên bố phá sản trong những năm gần đây.
Ngay cả Tesla – "ông lớn" xe điện của tỷ phú Elon Musk - cũng không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng. Lần đầu tiên trong lịch sử, hãng ghi nhận doanh số giảm vào năm 2024 do lãi suất vay cao và danh mục sản phẩm không còn đủ sức hấp dẫn, dù đã tung ra hãng loạt ưu đã kích cầu.
Có trụ sở tại Phoenix, Arizona, Nikola từng giao chiếc xe tải đầu tiên vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, một loạt sự cố cháy nổ vào năm 2023 đã dẫn đến đợt thu hồi lớn, làm dấy lên lo ngại về an toàn.
Dù đã chuyển hướng sang xe tải chạy hydro trong năm 2024, Nikola vẫn lỗ hàng trăm nghìn USD trên mỗi xe bán ra, khi các khách hàng tiềm năng - chủ yếu là doanh nghiệp vận tải - vẫn e dè trước chi phí đầu tư cao và lãi suất vay vốn ngày càng siết chặt.
"Những khó khăn mà Nikola đối mặt, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt, thách thức vận hành và chi phí cao của ngành xe điện nói chung, tất cả đã cộng hưởng lại, đẩy công ty đến bước đường này", Sarah Foss, Trưởng bộ phận pháp lý tại công ty phân tích nợ Debtwire, nhận định./.
Nguồn tham khảo: Reuters