Niềm tin của Chứng khoán Kiến Thiết với công ty một thời của bà "Nhàn AIC"
11:25 27/10/2024
CSI kiên nhẫn cầm lượng tiền mặt tương đương 70% tài sản trong suốt nhiều quý liên tiếp. Họ chấp nhận "đứng ngoài" kể cả trong giai đoạn thăng hoa của nửa đầu 2024. Nhưng vừa rồi, họ đã ‘xuống tiền’...
Nguồn khởi bắt đầu từ tháng 8/2024, sau quyết nghị của Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (Mã CK: CSI) về việc ủy thác quản lý danh mục đầu tư cho CTCP Quản lý Quỹ Genesis (GFM) với mức độ chấp thuận rủi ro “trung bình cao”.
Bên nhận ủy thác, là GFM, có thể xem xét chủ động mua, bán trong từng giai đoạn để tối ưu hóa lợi nhuận. Họ cũng được linh hoạt và chủ động trong việc phân bổ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, giữa các chứng khoán đầu tư ngắn hạn và các chứng khoán có tiềm năng tăng trưởng giá trong trung và dài hạn.
Số tiền CSI đã ‘trao’ cho GFM, theo ghi nhận, không chỉ dừng lại ở mức được đề trong văn bản của HĐQT, là "quy mô vốn đầu tư không vượt quá 35 tỷ đồng".
Cập nhật đến cuối quý III vừa rồi, CSI bắt đầu ghi nhận 34,8 tỷ đồng liên quan đến các khoản đầu tư mua chưa chuyển quyền sở hữu mà họ ủy thác đầu tư qua GFM. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng rót 40 tỷ đồng vào chứng chỉ quỹ GFMVIF.
Các khoản đầu tư chiếm 43,5% tổng tài sản này được CSI bút toán tại tiểu khoản “Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL”, thuộc khoản mục “Các loại tài sản tài chính”. Tại ngày 30/9/2024, chúng có giá trị hợp lý ở mức 77,1 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với giá vốn.
Cần phải nhắc lại rằng, CSI đã duy trì trung bình 121 tỷ đồng tiền mặt tồn quỹ trong suốt 6 tháng đầu năm 2024. Chiếm ngót 70% tổng tài sản, đây gần như là cả "nguồn sống" của CSI.
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY (UHY) đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với số tiền nêu trên do “không nhận được các giải trình hợp lý”.
Về phía CSI, giới chóp bu của công ty chứng khoán do CTCP Đầu tư và Phát triển Kirin Capital (Kirin Capital) nắm lượng lớn cổ phần hẳn phải dành niềm tin lớn cho phía đối tác, ở đây là GFM.
Bởi lẽ, họ đã “chấp nhận sự không hiệu quả” khi để tồn quỹ tiền mặt lớn trong nhiều kỳ, thậm chí bỏ qua cả giai đoạn mà thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động nhất cho đến lúc này của năm 2024 - xét cả về diễn biến chỉ số VN-Index và mức tăng giá của đại đa số cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Từ AFM, PIF đến GFM
Theo tìm hiểu của người viết, GFM là một quỹ đầu tư có thâm niên hoạt động dù còn nhiều bí ẩn với phần đông thị trường.
Quỹ đầu tư này được thành lập từ năm 2009, tiền thân là CTCP Quản lý Quỹ AIC (tên viết tắt: AFM). Toát lên từ tên gọi, AFM từng có nhiều năm liền do CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nắm cổ phần chi phối. Pháp nhân này từng đầu tư vào CTCP Bất động sản AIC và CTCP Mopha.
Bước ngoặt của AFM diễn ra vào năm 2018, khi ông Lã Giang Trung và hai thể nhân khác là bà Chu Minh Ngọc và ông Nguyễn Đức Khang nhận chuyển nhượng 100% cổ phần của công ty quản lý quỹ này.
Hậu đổi chủ, ngày 22/10/2018, AFM tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM), trong đó thông qua việc đổi tên từ CTCP Quản lý Quỹ AIC thành CTCP Quản lý Quỹ Passion Investment, với tên viết tắt là Passion Investment, còn tên giao dịch viết tắt là PIF.
Tuy nhiên, đến ngày 27/12/2018, Hội đồng quản trị (HĐQT) AFM bất ngờ quyết nghị hủy bỏ kết quả của phiên họp EGM hồi tháng 10.
Nguyên nhân, theo văn bản được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - khi ấy vẫn là Chủ tịch HĐQT AFM, thay mặt HĐQT công ty quản lý quỹ này - ký ban hành, là do thời gian từ khi thực hiện lập danh sách cổ đông về ngày đăng ký cuối cùng dự họp EGM 2018 tới thời gian diễn ra họp là chưa đủ 30 ngày theo quy định tại điều lệ công ty.
Đồng nghĩa, với nghị quyết trên, việc đổi tên AFM thành CTCP Quản lý Quỹ Passion Investment cũng bị hủy bỏ.
Bất thành trong việc đổi tên AFM, nửa cuối năm 2019, ông Lã Giang Trung và hai thể nhân đã nêu tiến hành chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của quỹ đầu tư này cho 3 thể nhân mới, là bà Đỗ Hoàng Quỳnh Trang, bà Hoàng Thị Phương Nhung và ông Nguyễn Văn Hòa.
Trong đó, dữ liệu của người viết thể hiện, bà Đỗ Hoàng Quỳnh Trang nhận chuyển nhượng 80% cổ phần AFM từ ông Lã Giang Trung và bà Chu Minh Ngọc.
Bà Đỗ Hoàng Quỳnh Trang, nên biết, là phu nhân của ông Đỗ Bảo Ngọc (SN 1984) - người được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc CSI hồi tháng 4/2018. Ông Đỗ Bảo Ngọc là nhà phân tích và đầu tư chứng khoán có thâm niên trên thị trường, từng đảm nhiệm chức Phó Giám đốc Chiến lược thị trường tại CTCP Chứng khoán MB (Mã CK: MBS).
Hậu ‘thay máu’ cổ đông, AFM đã đổi tên thành CTCP Quản lý Quỹ Genesis (GFM) và tiến hành tăng vốn điều lệ lên mức 50 tỷ đồng. Cập nhật tại ngày 30/6/2024, cơ cấu sở hữu của GFM bao gồm 2 thể nhân và 1 pháp nhân, cụ thể là bà Đỗ Hoàng Quỳnh Trang (sở hữu 68,8% vốn điều lệ), ông Nguyễn Văn Hòa (nắm 3,72% VĐL) và Công ty TNHH Lucky (nắm 27,48% VĐL).
Về phía ông Lã Giang Trung, theo tìm hiểu của người viết, nhà quản lý quỹ từng nổi danh với thương vụ tất tay vào cổ phiếu VPB này góp vốn sáng lập CTCP Tư vấn đầu tư Passion Investment (nay đổi tên thành CTCP Passion Investment) vào tháng 10/2015. Công ty này ban đầu có quy mô vốn điều lệ ở mức 180 tỷ đồng, do ông Trung nắm giữ 90% cổ phần. Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa rồi, CTCP Passion Investment bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 15 tỷ đồng.
Được ví như ‘nhà tiên tri chứng khoán’ nhưng chính quỹ đầu tư Passion Investment của ông Trung từng gánh chịu khoản lỗ tới trăm tỷ đồng vào năm 2018, đến mức ông phải bán nhà để trả cho các nhà đầu tư. Chưa rõ biến cố này có phải là nguyên nhân khiến ông Trung ‘nhả’ AFM cho nhóm nhà đầu tư mới như người viết đã đề cập ở phần trên của bài viết.
Bà chủ AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang bị truy nã do có liên quan đến 5 vụ án hình sự.
Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù về hai tội là Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Đến tháng 10/2023, bà Nhàn bị TAND Quảng Ninh tuyên phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, án 10 năm tù, trong sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Hồi tháng 7/2024, bà Nhàn bị phạt thêm 24 năm tù về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM. Tổng hợp ba bản án, bà Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Trong sai phạm về mua sắm thiết bị y tế ở tỉnh Bắc Ninh, giữa tháng 9, bà Nhàn bị VKSND Tối cao truy tố về tội Đưa hối lộ. Vụ án thứ 5 của bà chủ AIC là liên quan Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam./.