Lê Nguyên 12 giờ trước
Người theo dõi

Lượng tiền mặt tương đương 70% tài sản bị kiểm toán ngoại trừ của Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam

Cụ thể là 121 tỷ đồng tiền mặt tồn quỹ trung bình trong 6 tháng đầu năm 2024 của CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (Mã CK: CSI) mà Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY (UHY) cho rằng đã “không nhận được các giải trình hợp lý”.
Lượng tiền mặt tương đương 70% tài sản bị kiểm toán ngoại trừ của Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam

Lượng tiền mặt tương đương 70% tài sản bị kiểm toán ngoại trừ của Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam

Đáng chú ý, theo UHY, số tiền mặt này được CSI nộp vào tài khoản ngân hàng hoặc tiền gửi có kỳ hạn vào thời điểm cuối mỗi quý và được rút về nhập quỹ tiền mặt vào các ngày đầu quý sau.

Sẽ không có gì đáng nói nếu các bút toán liên quan đến số tiền 121 tỷ đồng nêu trên đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện và chuẩn mực theo quy định của pháp luật hiện hành.

Dù sao, số tiền tương đương 69,7% tổng tài sản tại thời điểm ngày 30/6/2024 của CSI vừa nêu cũng là một nguồn lực khổng lồ đối với công ty chứng khoán cỡ nhỏ trong hệ thống và có kết quả kinh doanh thiếu tích cực trong nửa đầu năm 2024 này.

Bản thân CSI cho biết việc để tồn quỹ tiền mặt nhiều trong kỳ không mang lại hiệu quả cao so với gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng “vì một số kế hoạch nên công ty vẫn tạm thời chấp nhận sự không hiệu quả này”.

“Nếu số tiền trên được sử dụng hiệu quả hơn thì số lỗ trong 6 tháng năm 2024 sẽ giảm đi và tỷ lệ an toàn tài chính tại thời điểm 30.6.2024 sẽ tăng lên so với số đã báo cáo”, CSI phân trần trong văn bản giải trình ý kiến kiểm toán trên báo cáo tài chính bán niên năm 2024.

Tại văn bản giải trình đề ngày 13/8, CSI khẳng định số dư quỹ tiền mặt được nộp vào tài khoản ngân hàng các kỳ báo cáo hàng quý và có xác nhận số dư đầy đủ.

Bên cạnh đó, CSI cũng nhấn mạnh đã thực hiện kiểm kê quỹ tiền mặt tại thời điểm 30/6/2024 với “sự chứng kiến của đơn vị kiểm toán độc lập và có thư xác nhận số dư ngân hàng theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán”. Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng số dư tiền trên báo cáo tài chính tại ngày 30/6/2024 - ở mức 103,9 tỷ đồng (theo tìm hiểu của người viết) là hoàn toàn trung thực và hợp lý.

Chưa rõ đơn vị kiểm toán độc lập nào đã xác nhận số dư tiền cho CSI nhưng tại văn bản phúc đáp đề ngày 11/9/2024, UHY vẫn khẳng định “không nhận được các giải trình hợp lý về việc duy trì số dư quỹ tiền mặt lớn nêu trên”.

CSI rót vốn vào Galaxy Việt Nam International, Noah làm gì?

Lượng tiền mặt tương đương 70% tài sản bị kiểm toán ngoại trừ của Chứng khoán Kiến thiết Việt NamCác khoản đầu tư của CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (Mã CK: CSI) tại CTCP Đầu tư Quốc tế Galaxy Việt Nam và CTCP Công nghệ Noah - Nguồn: BCTC CSI

UHY cũng cho biết đã không thu thập được đầy đủ các tài liệu thích hợp để xác định giá trị hợp lý của các khoản đầu tư mà CSI đã góp vốn mua cổ phần tại CTCP Đầu tư Quốc tế Galaxy Việt Nam (Galaxy Việt Nam International) và CTCP Công nghệ Noah (Noah). “Khoản đầu tư này đã được CSI giảm trừ vốn khả dụng trên Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/6/2024”, công ty kiểm toán cho hay.

Tính đến thời điểm cuối quý II/2024, CSI đang nắm giữ 1,82 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,96% vốn điều lệ Galaxy Việt Nam International và 1,42 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,59% vốn Noah. Hai khoản đầu tư này có giá trị sổ sách ở mức 32,4 tỷ đồng, được CSI ghi nhận tại khoản mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Theo tìm hiểu của người viết, Galaxy Việt Nam International được thành lập vào tháng 8/2017, ban đầu có vốn điều lệ 12 tỷ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động cấp tín dụng khác – chi tiết: Dịch vụ cầm đồ.

Công ty này được sáng lập bởi 3 thể nhân, gồm: bà Hà Thanh Hải (góp 3 tỷ đồng, tương ứng 25% vốn điều lệ); bà Trần Thị Thu Hà (góp 4 tỷ đồng, chiếm 33,33% VĐL) và bà Lê Thị Kim Hân (góp 4 tỷ đồng, nắm 33,33% VĐL). Ban đầu, chức vụ Tổng giám đốc công ty do ông Nguyễn Đức Thành (SN 1987) đảm nhiệm. Ông Thành, bà Hải và bà Kim Hân đều có địa chỉ thường trú tại tỉnh Phú Thọ.

Cập nhật đến tháng 4/2019, quy mô vốn điều lệ của Galaxy Việt Nam International được nâng lên mức 166 tỷ đồng. Đồng thời, bà Kim Hân – sinh năm 1970, giữ chức Chủ tịch HĐQT – thay ông Thành làm người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Trong khi đó, Noah được thành lập vào tháng 9/2022, ban đầu có vốn điều lệ ở mức 1 tỷ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực quảng cáo.

Công ty này được sáng lập bởi 3 thể nhân, gồm: ông Lê Mạnh Tiến (sở hữu 20% VĐL); ông Hoàng Văn Tuấn (50% VĐL) và ông Hoàng Văn Nam (30% VĐL). Là cổ đông lớn nhất, ông Tuấn (SN 1986) cũng là giám đốc kiếm người đại diện theo pháp luật của Noah.

Lượng tiền mặt tương đương 70% tài sản bị kiểm toán ngoại trừ của Chứng khoán Kiến thiết Việt NamĐội ngũ nhân sự được CSI giới thiệu trên trang chủ

Đáng chú ý, giới chóp bu của CSI cũng ghi nhận một vị lãnh đạo cấp cao họ Hoàng, cụ thể là ông Hoàng Xuân Hùng – sinh năm 1989, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Theo một tài liệu mà CSI công bố, ông Hùng có xuất phát điểm là Trợ lý Tổng Giám đốc, sau đó có 4 năm làm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại Chi Ân (Hà Nội).

Vị doanh nhân có bằng cử nhân tiếng Trung Quốc này được bầu làm Chủ tịch HĐQT CSI vào tháng 4/2016 và đảm nhiệm chức vụ này tới tháng 7/2019 – trước khi nhường lại chiếc ghế quyền lực nhất tại CSI cho ông Wang Weiya (Vương Vệ Á, SN 1968), cựu Giám đốc đầu tư của Công ty TNHH Quản lý Quỹ Rongtong Thâm Quyến.

Dù vậy, với việc đương giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, tiếng nói của ông Hoàng Xuân Hùng tại CSI - ở góc độ nào đó – đã vượt xa số cổ phần mà ông trực tiếp đứng tên. Tính đến ngày 30/6/2024, ông Hùng là cổ đông gần lớn ở CSI, với việc nắm giữ 4,9% cổ phần của công ty chứng khoán này.

Tới đây, một câu hỏi khác cũng cần đặt ra, rằng CSI đang thuộc sở hữu của nhóm nào (?). Bởi, ngoài ông Hùng hay ông Vương Vệ Á, cơ cấu sở hữu của CSI còn đang nổi lên một “tay chơi” khác, là CTCP Đầu tư và Phát triển Kirin Capital (Kirin Capital)./.

Đón đọc...

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên