Mức thuế đối ứng của ông Donald Trump như “quả bom hạt nhân” giáng xuống thị trường chứng khoán toàn cầu. Giữa cơn “bão lửa”, các định chế tài chính hàng đầu được hậu thuẫn bởi chính quyền Bắc Kinh đã ra tay “cầm máu”. Chứng khoán Trung Quốc, nhờ đó, cũng trụ vững trước bão thuế quan từ Mỹ.
Thực ra, khái niệm “đội quốc gia” đã được nhắc tới sau cú sập chứng khoán Trung Quốc giai đoạn năm 2015-2016. Nó phát khởi từ những biện pháp “bình ổn tâm lý” từng được Bắc Kinh thực hiện năm 2008.
Đội 'Avengers' của chứng khoán Trung Quốc
Khi cơn bão thuế đối ứng của ông Trump ập đến, tại thông cáo hôm 8/4, Quỹ đầu tư nhà nước Hối kim Trung ương (Central Huijin) tự nhận mình là một thành viên của “guojia dui” - trong tiếng Trung có nghĩa là “đội quốc gia”. Quỹ này tự tuyên bố có vai trò “bình ổn” và nhấn mạnh tầm nhìn lạc quan về "tương lai tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự phát triển của thị trường đầu tư".
Nối tiếp Hối kim Trung ương, Thành Thông Trung Quốc (China Chengtong Holdings) - công ty quản lý tài sản quốc doanh - cũng ra tay ứng cứu. Định chế này cam kết đầu tư 100 tỷ NDT (13,6 tỷ USD) vào thị trường chứng khoán. Tương tự, China Reform Holdings tuyên bố rót thêm 10,9 tỷ USD vào thị trường.
Hàng loạt “tay to” khác cũng nhập cuộc. Hội đồng Quốc gia về Quỹ An sinh Xã hội, thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết sẽ tăng cường mua vào cổ phiếu.
Tính đến cuối ngày 8/4, hơn 100 công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Sinopec, China Mobile và Moutai, cũng tuyên bố sẽ mua lại cổ phiếu của chính mình.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm Trung Quốc cũng được nới quy định để có thể tham gia mua cổ phiếu.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng mạnh giữa bão thuế quan của Mỹ
Chứng khoán Trung Quốc hồi sinh ngay sau đó. Chỉ số CSI 300 đã lấy lại đà tăng, trái ngược với mức giảm 7% hôm 7/4. Đây là chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
"Chiến trường thực sự đầu tiên của cuộc chiến thuế quan là thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán", tờ Financial Times dẫn lời Ting Lu - trưởng kinh tế gia về thị trường Trung Quốc của Nomura - cho hay. Vị chuyên gia này kỳ vọng "các quỹ bình ổn" hoặc "các đội quốc gia" của Trung Quốc sẽ can thiệp đáng kể vào thị trường chứng khoán trong những tuần tới.
Đằng sau mục tiêu "bình ổn" thị trường chứng khoán
Với vị thế địa chính trị và kinh tế đang lên, việc Trung Quốc thành lập “đội quốc gia” có lẽ không chỉ dừng lại ở việc “bình ổn” thị trường.
Qua mỗi cú sập của thị trường chứng khoán, tỷ lệ sở hữu của các định chế quốc doanh tại các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc cũng tăng dần. Quyền lực nhà nước đối với nền kinh tế trong nước, qua đó, càng được củng cố.

Central Huijin nắm giữ lượng cổ phần đáng kể tại nhiều định chế tài chính Trung Quốc
Nên biết, các cổ phiếu loại A (China A-Shares) là cổ phiếu của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, được niêm yết và giao dịch trên hai sàn chứng khoán chính là Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE). Các cổ phiếu này được định giá và giao dịch bằng đồng NDT và hạn chế sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tức là, việc “cầm máu” các cổ phiếu loại A sẽ giúp Trung Quốc bình ổn tâm lý của các nhà đầu tư trong nước trước các biến động kinh tế.
Đáng chú ý, thông điệp “bình ổn thị trường chứng khoán” lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc vào tháng 3. Theo Goldman Sachs, điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của thị trường chứng khoán trong chiến lược phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới./.