Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Ngành ô tô Nhật Bản “thở phào” nhờ thỏa thuận thương mại với Mỹ

19:15 24/07/2025

Thỏa thuận thương mại mới giữa Nhật Bản và Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp 7 hãng ô tô lớn của Nhật giảm đáng kể gánh nặng thuế quan – từ mức 27,5% xuống còn 15% – tương đương khoảng 1.600 tỷ yên (khoảng 11 tỷ USD).

Động thái áp thuế mạnh tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 từng khiến ngành ô tô Nhật Bản đối mặt với tổn thất lớn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Goldman Sachs, thỏa thuận mới đã giúp tổng mức ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động của 7 hãng xe lớn giảm từ 3.470 tỷ yên xuống còn 1.890 tỷ yên, đồng thời tỷ lệ sụt giảm lợi nhuận ròng cũng hạ từ 47% xuống 25%.

Hàng loạt ‘ông lớn’ ô tô Nhật Bản hạ dự báo sụt giảm lợi nhuận khi Washington và Tokyo đạt thỏa thuận thương mại (Ảnh: Mitsubishi) 

Toyota – hãng xe lớn nhất Nhật Bản – dự kiến sẽ giảm gánh nặng thuế từ 1.600 tỷ yên xuống còn 872 tỷ yên. HondaNissan cũng được hưởng lợi tương tự, lần lượt giảm từ 560 tỷ yên xuống 305 tỷ yên, và từ 470 tỷ yên xuống 256 tỷ yên.

Các hãng có tỷ lệ xe nhập khẩu cao vào thị trường Mỹ như Subaru và Mazda cũng tránh được kịch bản “bốc hơi” lợi nhuận. Subaru – vốn bán tới 70% số xe tại Mỹ, trong đó một nửa là xe nhập khẩu – từng đối mặt với nguy cơ thiệt hại 360 tỷ yên, nhưng nay đã giảm đáng kể.

Hồi tháng 4, ông Trump nâng thuế đối với ô tô Nhật từ 2,5% lên 27,5%, gây lo ngại nghiêm trọng trong ngành công nghiệp ô tô nước này.

Năm 2024, Nhật Bản xuất khẩu gần 1,37 triệu xe sang Mỹ, chiếm hơn 30% tổng lượng xe xuất khẩu. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 21.000 tỷ yên, trong đó ô tô và linh kiện chiếm 1/3 - hơn 7.200 tỷ yên.

“Gió chiều nào theo chiều đó”

Để thích nghi với chính sách mới, các hãng xe Nhật nhanh chóng điều chỉnh chuỗi cung ứng. Honda chuyển sản xuất dòng Civic hybrid sang Mỹ, trong khi Mitsubishi – hãng không có nhà máy tại Mỹ – chọn hợp tác sản xuất thiết bị gốc (OEM) với Nissan.

Chuyên gia Koji Endo từ SBI Securities cho rằng, khả năng Mitsubishi chuyển toàn bộ dây chuyền sang Mỹ giờ đã giảm đáng kể, do chi phí xây dựng nhà máy và nhân công tại Mỹ ở mức rất cao.

Tuy nhiên, một số hãng xe Mỹ đã lên tiếng phản đối. Ông Matt Blunt – Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ – cho rằng mức thuế thấp dành cho xe Nhật gây bất lợi cho ngành công nghiệp và người lao động Mỹ, vì xe nhập từ Nhật thậm chí được hưởng thuế suất thấp hơn cả xe sản xuất tại Bắc Mỹ.

Các chuyên gia nhận định mức thuế 15% vẫn nằm trong “ngưỡng chịu đựng” của các hãng xe Nhật, nhờ các biện pháp như tăng giá bán và cắt giảm chi phí.

Toyota đã nâng giá xe tại Mỹ trung bình thêm 270 USD trong tháng 7. Subaru cũng có động thái tương tự. Ông Endo dự báo các hãng sẽ tiếp tục điều chỉnh giá trong những tháng tới, gắn với các đợt ra mắt sản phẩm mới.

Tuy nhiên, tăng giá luôn đi kèm rủi ro. Lạm phát kéo dài có thể khiến người tiêu dùng Mỹ thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với các mẫu xe phổ thông của Nhật vốn nhạy cảm với biến động kinh tế.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

Để duy trì sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản buộc phải cân nhắc chiến lược dài hạn như mở rộng sản xuất tại địa phương và tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

“Rất khó để chính quyền tiếp theo bãi bỏ mức thuế này. Nó có thể tồn tại vĩnh viễn”, chuyên gia Takaki Nakanishi từ Viện nghiên cứu Nakanishi nhận định. “Doanh nghiệp cần làm quen với lợi nhuận thấp hơn và xây dựng hệ thống sản xuất tối ưu tại địa phương.”

Nguồn tin từ Toyota chia sẻ với Nikkei Asia rằng nếu mức thuế cao được duy trì trong dài hạn, hãng sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống sản xuất toàn cầu, tùy thuộc vào chính sách thuế của từng thị trường.

Trong khi đó, đại diện Subaru thừa nhận môi trường kinh doanh hiện nay vẫn rất khó khăn: “Chúng tôi chỉ còn cách tăng năng suất”.

Ngay cả khi thuế linh kiện cũng được giảm về 15%, tác động đến các doanh nghiệp phụ trợ – đặc biệt là nhóm công ty vừa và nhỏ – vẫn rất lớn, do họ khó có khả năng chuyển phần chi phí tăng vào giá bán cuối cùng./.

Nguồn tham khảo: Nikkei Asia