Microsoft vừa tung ra con chip điện toán lượng tử Majorana 1, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về mối đe dọa đối với bảo mật Bitcoin trong tương lai.
Bước tiến trên có thể rút ngắn thời gian cần thiết để nâng cấp Bitcoin chống lại các cuộc tấn công từ máy tính lượng tử - theo nhận định của CEO sàn giao dịch Bitcoin River.
Microsoft công bố Majorana 1 vào ngày 19/2, gia nhập cuộc đua điện toán lượng tử (QC) cùng những "gã khổng lồ" khác như Google - vốn đã ra mắt chip Willow vào tháng 12 năm ngoái.

Máy tính lượng tử có thể đe dọa Bitcoin như thế nào?
Hiện tại, Bitcoin sử dụng một hệ thống mã hóa để đảm bảo rằng chỉ chủ sở hữu mới có thể truy cập vào tài sản của họ. Tuy nhiên, nếu máy tính lượng tử phát triển đủ mạnh, chúng có thể phá vỡ lớp bảo mật này và cho phép tin tặc chiếm đoạt Bitcoin từ ví của người dùng.
Theo River, mối đe dọa này vẫn còn xa, nhưng con chip mới của Microsoft có thể rút ngắn thời gian để đạt đến khả năng đó.
Công ty dự đoán rằng, vào khoảng năm 2027-2029, nếu một máy tính lượng tử đạt đến quy mô 1 triệu qubit và hoạt động trong nhiều ngày hoặc vài tuần, nó có thể giải mã được khóa bảo mật của Bitcoin.
“Dù mối đe dọa này có thể còn cả thập kỷ nữa mới xảy ra, nhưng giải quyết vấn đề ngay từ bây giờ là điều tối quan trọng”, River nhận định.
Mức độ dễ bị tấn công của từng loại địa chỉ Bitcoin
Theo River nhận định, thuật toán Schor có thể giúp máy tính lượng tử tái tạo khóa riêng tư từ khóa công khai của bất kỳ ví Bitcoin nào. Điều này có thể dẫn đến hai loại tấn công:
- Tấn công tầm xa (Long-Range Attack): Chỉ ảnh hưởng đến ví có khóa công khai đã bị lộ.
- Tấn công tầm ngắn (Short-Range Attack): Ảnh hưởng đến tất cả các ví, ngay cả khi khóa công khai chưa bị lộ.

6 loại địa chỉ Bitcoin phổ biến và mức độ dễ bị tấn công (Nguồn: River)
Ví sử dụng P2PK và P2TR có nguy cơ bị tấn công tầm xa cao hơn nếu khóa công khai bị lộ. Các loại ví P2PKH, P2SH, P2WPKH, P2WSH đều có nguy cơ bị tấn công tầm ngắn nếu máy tính lượng tử đủ mạnh.
Hiện tại, loại địa chỉ phổ biến nhất (P2PKH – chiếm 43% lượng BTC) là mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công lượng tử.
Lo ngại có bị phóng đại?
Tuy vậy, không ít người cho rằng mối đe dọa từ điện toán điện tử đối với Bitcoin đang bị "thổi phồng" quá mức.
Một số chuyên gia nhận định nếu công nghệ này đủ mạnh để phá mã hóa, các tổ chức tài chính truyền thống – như ngân hàng và quỹ đầu tư – sẽ là rơi vào tầm ngắm trước tiên.
Để dễ hình dung, tổng tài sản do các ngân hàng trên toàn thế giới nắm giữ vào năm 2023 lên đến 188.000 tỷ USD, trong khi toàn bộ thị trường crypto chỉ khoảng 3.200 tỷ USD. Nếu có một máy tính lượng tử đủ mạnh để phá mã hóa, tin tặc có thể nhắm đến các ngân hàng thay vì Bitcoin.
Hơn nữa, một số chuyên gia tin rằng công nghệ lượng tử không chỉ là mối đe dọa mà còn có thể giúp củng cố bảo mật của Bitcoin.
Nhà mật mã học Adam Bac - một nhân vật có tiếng trong ngành, cho rằng các nghiên cứu về “chữ ký hậu lượng tử” (post-quantum signatures) sẽ giúp Bitcoin phát triển các phương pháp mã hóa mạnh hơn trước khi máy tính lượng tử đủ khả năng gây nguy hiểm.
Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng phải mất đến cả thế kỷ trước khi điện toán lượng tử đủ sức phá vỡ hệ thống mã hóa hiện tại bởi công nghệ này vẫn đang gặp nhiều hạn chế về nhiệt động học, bộ nhớ và tính ổn định của các phép tính lượng tử.
Dù vậy, ông Alexander Leishman - CEO River - vẫn cảnh báo rằng không nên chủ quan. Bởi, hệ thống ngân hàng có nhiều lớp bảo mật ngoài mã hóa (như xác thực mật khẩu và kiểm soát thủ công), Bitcoin chỉ dựa vào một yếu tố: khóa công khai (public key). Nếu máy tính lượng tử có thể bẻ khóa được hệ thống này, hacker chỉ cần biết khóa công khai của người dùng là có thể đánh cắp Bitcoin của họ./.
Nội dung liên quan
- Crypto thú vị hơn bạn tưởng (kỳ 1): Crypto là gì? Sự ra đời của Bitcoin
- Crypto thú vị hơn bạn tưởng (kỳ 2): Hàm băm (hash function) là gì? Vì sao hàm băm lại quan trọng trong blockchain đến thế?
- Crypto thú vị hơn bạn tưởng (kỳ 3): Đào coin và cơ chế proof of work
- Crypto Task Force – Lực lượng đặc nhiệm Crypto của chính quyền Trump sẽ thay đổi thị trường tiền số tại Mỹ như thế nào?