Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vừa ra mắt website Crypto Task Force (Lực lượng đặc nhiệm Crypto). Động thái này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình cải cách quy định pháp lý đối với thị trường tiền số tại Mỹ.
Thành lập vào đầu năm nay, ngay sau khi ông Gary Gensler từ chức, Crypto Task Force đặt mục tiêu xây dựng khung pháp lý toàn diện cho tài sản kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm này sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên bang như Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) để thiết lập cơ chế giám sát hợp lý hơn.
Crypto Task Force sẽ chấm dứt kỷ nguyên "quản lý bằng kiện tụng"
Ủy viên SEC Hester Peirc – người được cộng đồng crypto ưu ái gọi là "Crypto Mom" – vừa hé lộ kế hoạch cải tổ ngành tài sản số. Bà tuyên bố SEC dưới chính quyền mới sẽ không còn tiếp tục cách tiếp cận bằng kiện tụng, mà thay vào đó là xây dựng khung pháp lý minh bạch và rõ ràng.
Trong lá thư công bố ngày 4/2, bà Peirce thừa nhận SEC cần thời gian để "ổn định lại hệ thống" sau những hỗn loạn pháp lý trước đây. Bà cũng chỉ trích cách làm của chính quyền cũ khi dùng kiện tụng thay vì thiết lập quy định rõ ràng cho ngành crypto.
![](https://media.dff.vn//web/image/2025/2/crypto mom638743713904307121.jpg)
Ủy viên Hester Peirce – người được gọi với cái tên ưu ái "Crypto Mom"
Vị Ủy viên đồng thời đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm của Crypto Task Force trong thời gian tới.
Xác định phạm vi quản lý của SEC
Nhóm đặc nhiệm sẽ rà soát các loại crypto để xác định tài sản nào thuộc phạm vi quản lý của SEC.
Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ làm rõ những lĩnh vực nằm ngoài quyền hạn của SEC, thay vì can thiệp sâu rộng như trước đây. Một trong những bước đi đầu tiên là cho phép các tổ chức gửi đề nghị cấp thư không hành động (No-action letter) – văn bản xác nhận SEC sẽ không thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với một tổ chức/cá nhân trong trường hợp cụ thể.
Định hướng cho sàn giao dịch, quỹ ETF và dịch vụ crypto
SEC đang tiếp nhận hồ sơ đề xuất của nhiều quỹ hoán đổi danh mục (ETF) crypto mới, bao gồm XRP, Solana và Dogecoin.
Theo đó, lực lượng đặc nhiệm sẽ đưa ra các tiêu chí phê duyệt minh bạch, đồng thời xem xét mở rộng tính năng cho các quỹ này, chẳng hạn như tích hợp staking vào ETF.
Bên cạnh đó, nhóm đặc nhiệm sẽ làm rõ liệu các chương trình lending và staking có thuộc phạm vi luật chứng khoán hay không. Nếu có, đơn vị này sẽ xác định cách thức triển khai hợp pháp để các doanh nghiệp tuân thủ.
Về môi giới crypto, Crypto Task Force sẽ xem xét mở rộng mô hình Special-purpose Broker Dealer, cho phép các công ty môi giới quản lý cả tài sản crypto được coi là chứng khoán và không phải chứng khoán.
Lực lượng đặc nhiệm cũng sẽ xây dựng lộ trình giúp các cố vấn đầu tư (Registered Investment Advisors) có thể quản lý tài sản crypto một cách hợp pháp, dù là tự lưu ký hay thông qua bên thứ ba.
Tìm giải pháp cho các đợt phát hành coin/token
SEC đang xem xét cấp quyền miễn trừ tạm thời cho một số token nếu bên phát hành cung cấp thông tin minh bạch và không phản đối quyền tài phán của SEC. Điều này giúp các token có thể giao dịch tự do trên thị trường thứ cấp mà không cần đăng ký với SEC.
Bên cạnh đó, nhóm đặc nhiệm sẽ đề xuất điều chỉnh cách thức đăng ký hiện có, bao gồm Quy định A (Regulation A) và huy động vốn từ công chúng (crowdfunding), giúp các dự án crypto có phương án gọi vốn hợp pháp mà không vướng phải các rào cản pháp lý nặng nề như trước đây.
Ứng dụng blockchain vào tài chính truyền thống
Lực lượng đặc nhiệm cũng có kế hoạch nghiên cứu sự giao thoa giữa tiền mã hóa với các quy tắc của cơ quan thanh toán bù trừ và đại lý chuyển nhượng.
Crypto Task Force sẽ hợp tác với các bên tham gia thị trường quan tâm đến việc mã hóa chứng khoán hoặc ứng dụng công nghệ blockchain để hiện đại hóa các thị trường tài chính truyền thống.
Sandbox xuyên biên giới
Nhiều dự án tiền mã hóa có phạm vi hoạt động trên toàn cầu.
Lực lượng Đặc nhiệm đang xem xét các cách để tạo điều kiện thử nghiệm xuyên biên giới trong phạm vi giới hạn và thời gian tạm thời, đồng thời cân nhắc khả năng áp dụng các phương pháp lâu dài và bền vững hơn trong tương lai.
![](https://media.dff.vn//web/image/2025/2/team638743716856806794.jpg)
Những “nhân tố” dẫn dắt Crypto Task Force
Như đã đưa tin, lực lượng đặc nhiệm crypto sẽ được dẫn sắt bởi bà Hester Peirce – người được mệnh danh là “crypto mom”, cùng với sự tham gia của những cái tên đáng chú ý như:
- Richard Gabbert - người trước đây từng là cố vấn cho Ủy viên Hester Pierce - sẽ đảm nhận vai trò Chánh văn phòng và Cố vấn cấp cao cho Chủ tịch tạm quyền Uyeda.
- Taylor Asher - trước đây là cố vấn chính sách cấp cao cho ông Uyeda, sẽ đảm nhiệm vai trò Cố vấn chính sách chính cho Crypto Task Force
- Landon Zinda – một thành viên không thuộc SEC – đảm nhiệm vai trò cố vấn cấp cao cho lực lượng đặc nhiệm. Được biết, ông Zinda từng giữ vị trí Giám đốc chính sách tại Coin Center, có kinh nghiệm làm việc với các nhà lập pháp thân thiện với crypto như Thượng nghị sĩ Pat Toomey và Đại diện Tom Emmer.
SEC “thu hẹp” bộ phận thực thi crypto
Trong một diễn biến đáng chú ý, SEC dường như đang thu hẹp bộ phận thực thi crypto. Theo tờ The New York Times, đây là một phần trong chiến lược định hình lại cách tiếp cận với thị trường crypto dưới chính quyền Trump.
Cụ thể, hơn 50 luật sư và nhân viên chuyên trách crypto đã bị cắt giảm, một số được điều chuyển sang bộ phận khác, thậm chí có những nhân sự coi đây là một sự giáng chức. Động thái này cho thấy SEC có thể sẽ giảm bớt các biện pháp cưỡng chế và chuyển sang cách tiếp cận mềm mỏng hơn với ngành crypto.
Liệu SEC dưới thời chính quyền mới có thực sự "cởi mở" với crypto? Hay đây chỉ là một chiến lược tạm thời để xoa dịu các nhà đầu tư? Hãy cùng chờ xem!
Nguồn tham khảo: Decrypt, CoinDesk, The New York Times