Từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một đợt phục hồi phi thường với tốc độ tăng trưởng vượt xa dự báo thông thường.
Tuy nhiên, ẩn sau sự tăng điểm ấn tượng của các chỉ số như S&P 500 là một cấu trúc thị trường ngày càng tập trung, trong đó một nhóm nhỏ các cổ phiếu công nghệ, được gọi là “Magnificent 7” (gồm Apple, Amazon, Alphabet, Meta, Microsoft, Tesla và Nvidia), đang nắm giữ quyền lực thị trường lớn chưa từng có kể từ thời kỳ Đại Suy thoái (1932).
Nhóm này hiện chiếm tới hơn 33% tổng giá trị thị trường của chỉ số S&P 500, đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về sự ổn định, khả năng đa dạng hóa và rủi ro hệ thống của thị trường tài chính Mỹ.

Magnificent Seven (Mag7) bao gồm: Apple, Amazon, Alphabet, Meta, Microsoft, Tesla và Nvidia
Đà tăng trưởng vượt trội của nhóm Mag7 là không thể phủ nhận. Một khoản đầu tư 10.000 USD vào ngành công nghệ từ năm 2015 đến nay sẽ mang lại hơn 63.000 USD, tương đương mức sinh lợi trung bình hàng năm 20,4%, gần gấp đôi so với danh mục S&P 500 equal-weight.
Song, sự phụ thuộc quá mức vào nhóm cổ phiếu này khiến phần còn lại của thị trường trở nên mờ nhạt. Theo các phân tích của Meketa Investment Group và T. Rowe Price, ngoại trừ nhóm Mag7, phần lớn các cổ phiếu khác trong S&P 500 chỉ đóng góp khiêm tốn vào tổng mức tăng trưởng của thị trường, dẫn đến hiện tượng mà giới chuyên gia gọi là “tăng trưởng bóp méo bởi trọng số vốn hóa”.
Khía cạnh rủi ro của sự tập trung này càng trở nên rõ rệt khi xét đến các yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các chính sách thuế quan mới và biến động địa chính trị. Các công ty trong nhóm Mag7, dù có năng lực tài chính vượt trội, lại có mức độ phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan.
Điển hình như Apple, nơi 90% iphone vẫn đang được sản xuất tại Trung Quốc, có thể chứng kiến mức sụt giảm lợi nhuận 20 – 40% nếu Mỹ áp thuế lên smartphone nhập khẩu. Nvidia, với chuỗi cung ứng gắn chặt với Đài Loan và nguồn doanh thu đến 30% từ Trung Quốc, cũng không tránh khỏi các tác động của chính sách thuế trả đũa.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các công ty trong nhóm này sở hữu những đặc điểm cho phép họ duy trì sức bật trong môi trường biến động cao. Amazon, Meta và Microsoft có tỷ trọng doanh thu nội địa lớn hơn và không bị phụ thuộc hoàn toàn vào phần cứng.
Mảng dịch vụ đám mây (AWS, Azure, Google Cloud) và doanh thu từ quảng cáo (đặc biệt là Meta) giúp họ tránh được phần lớn tác động từ hàng rào thương mại. Ngoài ra, sự trung thành của người tiêu dùng và khả năng tăng giá sản phẩm mà không làm giảm nhu cầu tiêu dùng đã trở thành “lợi thế độc quyền” của nhóm này trong giai đoạn khó khăn.
Song chính những lợi thế đó lại góp phần củng cố một cấu trúc thị trường dễ tổn thương. Như các nghiên cứu mới trên SSRN và JSTOR đã chỉ ra, cơ chế “tự khuếch đại vốn” của các chỉ số theo trọng số vốn hóa (market-cap weighting) khiến vốn đầu tư bị hút mạnh vào các cổ phiếu lớn đang tăng giá, làm gia tăng sự tập trung và giảm hiệu quả phân tán rủi ro.
Nếu bất kỳ một hoặc nhiều cổ phiếu trong nhóm Mag7 đối mặt với khủng hoảng, toàn bộ thị trường có thể chịu ảnh hưởng dây chuyền, không khác gì sự sụp đổ của các cổ phiếu dot-com đầu những năm 2000.
Việc so sánh giữa tình trạng hiện tại và bong bóng công nghệ cách đây hai thập kỷ đã được nhiều tổ chức như Goldman Sachs, Morgan Stanley và Brookstone phân tích sâu. Dù nền tảng tài chính và mô hình kinh doanh của các công ty hiện nay vững chắc hơn nhiều so với thời kỳ đầu thế kỷ XXI, mức độ tập trung thị trường hiện tại lại tiềm ẩn rủi ro ở cấp độ hệ thống, điều mà chính các nhà đầu tư tổ chức cũng đang lo ngại.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề không nằm ở việc các công ty trong nhóm Mag7 có xứng đáng với mức định giá hiện tại hay không, mà là ở việc cấu trúc thị trường đang đặt quá nhiều kỳ vọng và trọng số vào một nhóm rất nhỏ doanh nghiệp. Điều này không chỉ gây sai lệch về hiệu quả đầu tư, mà còn có thể bóp méo tín hiệu từ thị trường tài chính đối với nền kinh tế thực.
Giải pháp đặt ra không đơn giản. Nhà đầu tư cần xem xét lại mức độ đa dạng hóa danh mục, sử dụng các chỉ số equal-weight hoặc chiến lược active-extension để giảm thiểu lệ thuộc vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao tác động của chính sách thương mại, chống độc quyền và điều tiết công nghệ để tránh để thị trường tiếp tục bị chi phối bởi một nhóm nhỏ các siêu công ty.
Tóm lại, sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm Mag7 là biểu tượng của kỷ nguyên công nghệ hiện đại, nhưng cũng là phép thử đối với khả năng chịu đựng của toàn bộ thị trường tài chính Mỹ. Khi lợi ích và rủi ro cùng hội tụ tại một nhóm cổ phiếu, thì những cơn sóng nhỏ có thể tạo thành sóng thần trong chớp mắt và cuốn phăng đi mọi giàu sang danh vọng tích lũy trong hàng thập kỷ./.