Phúc Nguyên 12 giờ trước
Người theo dõi

Kinh tế Mỹ phục hồi, Thống đốc Fed vẫn muốn hạ lãi suất ngay trong tháng 7

Dù nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller vẫn bày tỏ quan điểm ủng hộ việc cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp chính sách cuối tháng 7.

“Việc giảm lãi suất chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thêm 25 điểm cơ bản vào 2 tuần tới là hợp lý”, ông Waller phát biểu ngày 17/7.

Theo ông, các dữ liệu cứng và mềm về hoạt động kinh tế cũng như thị trường lao động đều cho thấy nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng. 

Song, đà phục hồi đã suy yếu đáng kể và rủi ro đối với mục tiêu toàn dụng lao động của Fed đang gia tăng – đủ cơ sở để cơ quan này giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 29 – 30/7.

“Fed hoàn toàn có thể lờ đi những tác động nhất thời từ chính sách thuế quan để tập trung vào các yếu tố nền tảng khác của nền kinh tế”, ông Waller nhấn mạnh.

Christopher Waller – Thống đốc Fed – ủng hộ việc hạ lãi suất ngay trong cuộc họp chính sách cuối tháng 7, do các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chưa thật sự vững vàng (Ảnh: Bloomberg)

Christopher Waller hiện là một trong hai quan chức cấp cao của Fed công khai ủng hộ việc hạ lãi suất ngay trong tháng 7. Ông cho rằng cú sốc thuế quan gần đây chỉ mang tính tạm thời và không đủ sức làm thay đổi triển vọng chính sách tiền tệ dài hạn.

Theo ông Waller, việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 7 không chỉ hợp lý trong bối cảnh tăng trưởng đang chậm lại, mà còn có thể mở đường cho chu kỳ nới lỏng chính sách tiếp theo.

Vị này lập luận rằng Fed không còn cần giữ một chính sách "kìm hãm" như giai đoạn trước, đặc biệt khi lãi suất hiện tại đang cao hơn đáng kể so với mức trung tính dài hạn, vốn được ước tính quanh ngưỡng 3%.

“Nếu lạm phát cơ bản tiếp tục được kiểm soát và kỳ vọng lạm phát ổn định trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, tôi ủng hộ việc cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản để đưa chính sách tiền tệ trở về trạng thái trung lập,” ông Waller nhấn mạnh.

Thống đốc Fed cũng cảnh báo, nếu nền kinh tế suy yếu nhanh hơn dự đoán, việc trì hoãn động thái nới lỏng có thể khiến Fed “tụt lại phía sau”. “Nếu các dấu hiệu suy yếu gia tăng, thì chờ đến tháng 9 mới cắt giảm sẽ là quá muộn,” ông nói.

Trong khi đó, những rủi ro đối với triển vọng lạm phát vẫn hiện hữu. Dữ liệu tháng 6 cho thấy giá của nhiều mặt hàng nhạy cảm với thuế – như đồ gia dụng, thiết bị điện tử, thể thao và đồ chơi – đang tăng trở lại. Cùng lúc, tăng trưởng tiền lương chững lại, giá nhà giảm tại nhiều khu vực, khiến tài sản ròng của hộ gia đình bị thu hẹp – yếu tố có thể làm suy giảm tiêu dùng.

Hiện thị trường tài chính vẫn nghiêng về khả năng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9. 

Fed có lý do để chậm lại

Trái với ông Waller, phần lớn các quan chức Fed khác hiện vẫn thận trọng và không ủng hộ thay đổi mức lãi suất mục tiêu hiện tại là 4,25% – 4,5%. 

Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan càng củng cố lập trường “kiên nhẫn” của Fed giữa lúc áp lực từ Nhà Trắng gia tăng.

Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 7.000 đơn xuống còn 221.000 trong tuần kết thúc ngày 12/7 – mức thấp nhất kể từ tháng 4. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo con số này sẽ là 235.000.

Hiện, mức sa thải lao động Mỹ ở mức thấp nhất trong lịch sử. Riêng trong tháng 6, các ngành phi nông nghiệp đã tạo thêm 147.000 việc làm.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Cục Thống kê thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã tăng 0,6%, phục hồi sau mức giảm 0,9% của tháng 5. Trước đó, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ liên tục suy giảm khi xu hướng “mua trước để tránh tăng giá” – đặc biệt với mặt hàng ô tô – dần hạ nhiệt.

Sức mua và doanh số bán lẻ tại Mỹ đang phục hồi, triển vọng để Fed hạ lãi suất vào cuối tháng 7 ngày càng mờ nhạt (Nguồn: Reuters)

Các đại lý ô tô cũng là nhóm dẫn đầu đà phục hồi trong tháng 6, với doanh thu tăng 1,2% sau khi giảm 3,8% trong tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu đến từ việc giá xe cao hơn, khi số lượng xe bán ra từ các nhà sản xuất lại tiếp tục giảm – cho thấy nhu cầu thực tế chưa cải thiện rõ rệt.

Ở nhóm tiêu dùng, doanh thu tại các nhà hàng và quán ăn tăng 0,6%, được xem là chỉ dấu quan trọng phản ánh sức khỏe tài chính của hộ gia đình Mỹ. Ngược lại, doanh số tại các cửa hàng điện tử, thiết bị gia dụng và nội thất đều sụt giảm nhẹ – lần lượt ở mức 0,1% – cho thấy áp lực giá cả, đặc biệt từ thuế quan, đang bắt đầu tác động đến sức mua.

“Các chỉ số về hoạt động kinh tế và thị trường lao động hiện vẫn tương đối vững vàng. Vì vậy, Fed chưa cần phải vội vã trong việc hạ lãi suất,” ông James Knightley – chuyên gia kinh tế quốc tế trưởng tại ING – nhận định.

Nguồn tham khảo: Reuters

Chia sẻ
Báo cáo
Phúc Nguyên Người dùng
Vĩ mô Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên