Tình hình kinh tế Đức
Đức đã trải qua nhiều quý tăng trưởng âm trong năm 2024, chính thức rơi vào suy thoái kinh tế. Nguyên nhân chính là do:
- Chi phí năng lượng tăng vọt sau xung đột Nga - Ukraine khiến giá điện và khí đốt tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Đức.
- Xuất khẩu sụt giảm, là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, Đức chịu áp lực khi nhu cầu toàn cầu suy yếu và sự cạnh tranh khốc liệt đặc biệt từ Trung Quốc trong lĩnh vực oto.
- Lạm phát duy trì ở mức 6-7% trong năm 2024, vượt quá mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), làm giảm sức mua của người dân và niềm tin tiêu dùng.
- Khủng hoảng ngân sách. Chính phủ Đức gặp khó khăn trong việc thông qua ngân sách liên bang khi các đảng trong liên minh không đạt được đồng thuận về việc cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế.
- Tranh cãi trong chi tiêu công. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) phản đối mạnh mẽ kế hoạch tăng chi tiêu công của SPD và Đảng Xanh, đặc biệt trong các chương trình chống biến đổi khí hậu và trợ cấp xã hội, dẫn đến sự tan rã liên minh.
Khủng hoảng chính trị tại Đức
- Liên minh cầm quyền giữa Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã tan vỡ vào tháng 11/2024. Thủ tướng Olaf Scholz đã cách chức Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và khả năng tổ chức bầu cử sớm vào tháng 2/2025.
- Đảng cực hữu "Sự Lựa chọn vì nước Đức" (AfD) đang gia tăng ảnh hưởng, với tỷ lệ ủng hộ đạt khoảng 20% trong các cuộc thăm dò. Điều này gây lo ngại về sự phân hóa chính trị và xã hội tại Đức.
Tình hình tại Pháp
- Khủng hoảng nợ công: Nợ công của Pháp đã vượt ngưỡng 120% GDP vào cuối năm 2024, khiến chính phủ buộc phải đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được lòng dân.
- Các kế hoạch cải cách như tăng thuế thu nhập cao và cải tổ hệ thống lương hưu bị công chúng và các tổ chức công đoàn phản đối dữ dội, gây ra hàng loạt cuộc đình công và biểu tình.
- Lạm phát thực phẩm và nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng do giá dầu toàn cầu leo thang cùng với tình trạng thiếu nguồn cung lương thực khiến chi phí sinh hoạt tại Pháp tăng đáng kể, làm giảm mức sống của người dân.
- Bất mãn xã hội gia tăng. Các tầng lớp lao động và trung lưu cảm thấy bị bỏ rơi, dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực, làm suy yếu chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier.
- Các vấn đề kinh tế làm gia tăng sự bất mãn đối với chính phủ trung dung của Tổng thống Macron, tạo điều kiện cho các đảng cực hữu như "Tập hợp Quốc gia" (RN) của Marine Le Pen gia tăng ảnh hưởng.
- Chính phủ sụp đổ. Thủ tướng Michel Barnier đã bị Quốc hội phế truất sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào đầu tháng 12/2024, chỉ sau ba tháng nắm quyền. Điều này khiến chính trường Pháp rơi vào bế tắc và đặt ra thách thức lớn cho Tổng thống Emmanuel Macron trong việc bổ nhiệm thủ tướng mới và ổn định tình hình.
- Các cuộc biểu tình và bạo loạn diễn ra tại nhiều thành phố, phản ánh sự bất mãn của người dân đối với chính phủ và các chính sách hiện hành. Tình trạng này không chỉ gây mất ổn định trong nước mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Pháp trên trường quốc tế.
Những khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp, hai trụ cột quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), đang gây lo ngại về sự ổn định và tương lai của khối. Sự suy yếu lãnh đạo từ Berlin và Paris có thể làm giảm khả năng đối phó với các thách thức chung của EU, như kinh tế, di cư và an ninh./.