"Key person” này có thể giúp Việt Nam né đòn thuế nặng của ông Trump
17:32 03/12/2024
Cụ thể là ông Scott Bessent - ‘quân sư’ kinh tế của ông Trump, người đứng sau kế hoạch loại bỏ Chủ tịch Fed và được nhắm cho ghế Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong nội các mới. Ông Bessent được mong đợi sẽ làm dịu đi các đề xuất thuế quan ‘cực đoan’ của vị tổng thống đắc cử.
Được nhắm giữ ghế Bộ trưởng Tài chính, ông Scott Bessent có vai trò then chốt trong việc hiện thực hoá mục tiêu chiến lược của vị tổng thống đắc cử Donald Trump: Sử dụng thuế quan để đưa sản xuất quay trở lại Mỹ.
Người “giảm xóc” cho các đòn thuế của ông Trump?
Từng làm việc dưới trướng của huyền thoại đầu cơ George Soros và cũng làm chủ một quỹ đầu tư riêng, Scott Bessent hiếm khi hành động cảm tính.
Ông ủng hộ việc áp dụng thuế quan có lộ trình để tránh làm rối loạn thị trường và/hoặc tăng lạm phát ở Mỹ, cụ thể là áp thuế 2% ban đầu lên một quốc gia và doạ tăng thuế thêm 2% mỗi tháng sau đó.
Tại báo cáo phát hành hôm 29/11, ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital - cho biết ông Scott Besent có thể sẽ là Bộ trưởng Tài chính Mỹ “lý tưởng” đối với Việt Nam.
Theo đó, ông Bessent từng nhiều lần nói rằng các đề xuất thuế quan của ông Trump là “cực đoan” (chẳng hạn như dự định áp thuế 25% đối với Canada và Mexico) và có thể sẽ được giảm nhẹ trong các cuộc đàm phán.
Vị tỷ phú này cũng ủng hộ việc xem xét các mục tiêu địa chính trị của Mỹ khi xác định mức thuế đối với từng quốc gia.
Chi tiết về cách thức chiến lược này có thể hoạt động - cũng như các khía cạnh khác trong chiến lược thuế quan của ông Trump - đã được phác thảo trong một báo cáo mang tên “Hướng dẫn về Cải cách Hệ thống Thương mại Toàn cầu”. Báo cáo này được công bố rộng rãi sau khi ông Trump đắc cử, do TS. Stephen Miran - một nhân sự cấp cao về chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ Trump 1.0 - viết. Có bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Havard, ông Miran được cho là có mối liên hệ mật thiết với Scott Bessent.
Đáng chú ý, báo cáo nêu trên cũng thể hiện niềm tin của lưỡng đảng tại Mỹ về vai trò của Việt Nam trong việc giúp cường quốc số 1 thế giới đạt được các mục tiêu địa chính trị, qua đó “đảm bảo rằng Việt Nam sẽ không bị ông Trump nhắm đến với các biện pháp thuế quan quá nặng nề”.
Cần phải lưu ý rằng, trong nhiệm kỳ đầu, phong cách đàm phán và giao tiếp của ông Trump khá thất thường. Bình luận về chủ đề này, một nhà đầu tư mạo hiểm có tiếng trên thị trường là Peter Thiel từng cho rằng, cần "nghiêm túc lắng nghe ông Trump, nhưng không nên hiểu theo nghĩa đen".
Giờ đây, thị trường tài chính có thể sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những phát ngôn của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai của ông tại Nhà Trắng.
“Cầu nối” giữa Mỹ và Trung Quốc...
Báo cáo của VinaCapital dẫn số liệu cho thấy các công ty lớn của Hàn Quốc vẫn tiếp tục rót vốn vào Việt Nam bất chấp lo ngại các doanh nghiệp của nước này trì hoãn hoặc giảm bớt đầu tư nếu ông Trump tiếp tục thực hiện kế hoạch áp dụng thuế suất 10-20% đối với tất cả các quốc gia (trừ Trung Quốc).
Nguyên nhân là vì tiền lương ở các nhà máy của Hàn Quốc cao gấp gần 10 lần so với Việt Nam. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang có tốc độ già hoá dân số nhanh hơn cả Nhật Bản ở thời kỳ đỉnh điểm.
“Các công ty này khó có thể thay đổi kế hoạch sản xuất tại Việt Nam nếu xuất khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam sang Mỹ gặp phải các gánh nặng thuế quan tương tự, và có thể Việt Nam thậm chí còn được hưởng đãi ngộ thuế quan thuận lợi hơn so với các quốc gia xuất khẩu tại Châu Á khác dưới thời ông Trump”, báo cáo viết.
Trước đó, tại một báo cáo phát hành hôm 7/11, VinaCapital đã nhận định rằng Việt Nam có thể giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc do việc dịch chuyển sản xuất tại Mỹ không hiệu quả về mặt chi phí.
Không chỉ VinaCapital có quan điểm này. “Nếu trước đây hàng hoá được sản xuất tại Trung Quốc, thì bây giờ sẽ được sản xuất tại Việt Nam”, một chuyên gia chuỗi cung ứng đã khẳng định như vậy với Forbes trong bài viết từng được một thành viên lược dịch và đăng tải trên DFF.VN mới đây.
Ngoài Scott Bessent, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua ông Howard Lutnick - một "quân sư" khác của ông Donald Trump.
Vị Chủ tịch Cantor Fitzgerald từng bảy tỏ tham vọng xây trung tâm tài chính tỷ đô tại Việt Nam. Định chế này cũng là một trong những tay chơi lớn tại Black Spade - SPAC dìu VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ./.