Hợp đồng BT là gì? Ưu điểm và hạn chế của hợp đồng BT
11:20 19/10/2024
Hợp đồng BT, thường là đổi đất lấy hạ tầng, từng bị “khai tử” do nảy sinh nhiều bất cập, sai phạm. Tuy nhiên, hình thức này đã được “hồi sinh” tại Luật Thủ đô, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng của TP. Hà Nội.
CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây xôn xao khi đề xuất đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT).
Vậy hợp đồng BT là gì và có những ưu, nhược điểm nào?
Hợp đồng BT là gì?
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP, hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Build - Transfer, viết tắt: BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.
Còn theo khoản 1 và 2, Điều 40 Luật Thủ đô - có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025, hợp đồng BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng và chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành; nhà đầu tư được thanh toán bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất.
Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BT trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Ưu điểm và hạn chế của hợp đồng BT
Thực tiễn triển khai cho thấy cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất theo hợp đồng BT từng gây ra nhiều vướng mắc, nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có các sai phạm đã bị xử lý.
Đặc biệt, việc nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất khác để thực hiện dự án đối ứng nhằm thu hồi vốn không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án tiềm ẩn các tiêu cực phát sinh trong quá trình định giá đất để thanh toán.
Từ những bất cập ấy, tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP 2020) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Quốc hội đã yêu cầu dừng triển khai dự án BT mới, dự án nào chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Hay nói cách khác, hợp đồng BT đã bị “khai tử”.
Tuy nhiên, hợp đồng BT đã được “hồi sinh” tại Luật Thủ đô, trong bối cảnh Tp. Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.
Cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT tại Hà Nội có sự mở rộng so với TP HCM, bên cạnh việc thanh toán bằng tiền thì nhà đầu tư có thể được Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất. Đây là cơ chế đã được áp dụng trước khi Luật PPP 2020 ra đời, chẳng hạn tại Nghị định 63 năm 2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Một quy định khác cũng “ưu ái” hơn cho Hà Nội là thời điểm tiến hành lựa chọn nhà đầu tư dự án BT: theo dự thảo Luật Thủ đô, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi thiết kế cơ sở (thiết kế bước 1) được phê duyệt; tuy nhiên theo chính sách áp dụng cho TP. HCM sau thiết kế cơ sở (thiết kế bước 2) được phê duyệt.
Như vậy, so với chính sách áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh thì dự án BT theo dự thảo Luật Thủ đô không chỉ linh hoạt hơn về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư mà còn được phép triển khai sớm hơn./.