Hòa bình chiến lược: Thấy gì từ cách Mỹ nhảy vào hòa đàm Nga-Ukraine?
18:06 05/03/2025
Xung đột giữa các siêu cường sẽ không giảm đi, chúng chỉ được ‘che đậy’ theo một cách khác mà thôi!
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bắt tay trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: TASS
Một kỷ nguyên mới của địa chính trị đang diễn ra. Sự trỗi dậy của đa cực - một khái niệm từng được các chính trị gia như Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Triều Tiên , và Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ - nay đã trở thành một thực tế địa chính trị.
Các quan chức Liên minh Châu Âu và những người làm công tác an ninh NATO cũng sử dụng thuật ngữ này nhiều hơn để mô tả những biến động địa chính trị khi các quốc gia trung bình, các tác nhân khu vực và các thực thể phi quốc gia thể hiện quyền lực lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng.
Sau khi Phần Lan gia nhập NATO vào năm 2023, tổng thống của họ đã tiếc nuối sự chuyển hướng sang một “thế giới hậu Mỹ”.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio cũng đồng tình với quan điểm này, thừa nhận sự trở lại của “thế giới đa cực” và cảnh báo rằng “trật tự toàn cầu hậu chiến không chỉ lạc hậu; nó giờ đây là một công cụ được sử dụng chống lại Mỹ”.
Cuộc cạnh tranh địa chính trị này không chỉ giới hạn trong các hành động quân sự và ảnh hưởng kinh tế; nó còn làm thay đổi cách thức hòa bình được theo đuổi.
Trước đây, các nỗ lực hòa bình nhắm đến việc giải quyết xung đột một cách toàn diện, lâu dài thông qua ngoại giao truyền thống, thì giờ đây, chúng trở nên mang tính giao dịch, ngắn hạn, tiện lợi về chính trị, và được thúc đẩy bởi các tính toán chiến lược.
Ngoại giao hòa bình đã trở thành một công cụ để đạt được lợi ích ngắn hạn và lợi thế địa chính trị thay vì hòa bình thực sự, hình thành nên cái mà chúng ta gọi là “hòa bình chiến lược”.
Những tác động của sự thay đổi này đã bắt đầu cảm nhận được.
Hòa bình chiến lược, kết hợp với sự suy giảm rộng rãi của chủ nghĩa đa phương và các chuẩn mực quốc tế, đã góp phần vào những cuộc xung đột chết chóc hơn, kéo dài hơn và ngày càng gắn liền với những cuộc đấu tranh địa chính trị rộng lớn hơn.
Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)
Khi hoà bình là ‘quân bài’ mặc cả
Một số nhà phân tích thậm chí cảnh báo về “sự trở lại của chiến tranh toàn diện”. Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với số lượng cuộc xung đột đang diễn ra nhiều nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Điều này một phần là do các quy trình hòa bình ngày càng được thiết kế không phải để giải quyết xung đột mà để đảm bảo lợi ích chiến lược, bảo tồn ảnh hưởng, hoặc đơn giản chỉ là làm “hình ảnh”.
Xu hướng này có nguy cơ đe dọa sự ổn định lâu dài, và nếu không có lợi ích thực sự cho cộng đồng chịu ảnh hưởng của xung đột, nó thậm chí có thể làm xói mòn khái niệm “hoà bình” theo đúng nghĩa đen.
Một loạt các cuộc đàm phán hòa bình và các nỗ lực ngừng bắn gần đây có thể đã tạo ấn tượng rằng sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế vào việc giải quyết xung đột không thay đổi.
Thỏa thuận Doha ở Afghanistan, các cuộc đàm phán Jeddah cho Sudan, các nỗ lực ngừng bắn ở Trung Đông, và thậm chí những cuộc hoà đàm về chiến sự Ukraine đều cho thấy một hệ thống toàn cầu vẫn quan tâm đến việc tạo dựng hòa bình.
Tuy nhiên, dưới bề mặt, các bên vẫn cố gắng đạt được các mục tiêu địa chính trị, lợi ích chiến thuật và thế mạnh chiến lược.
Thay vì tạo ra những giải pháp bền vững, các cuộc đàm phán bị lợi dụng để biến thành công cụ để quản lý hình ảnh, chứ không phải vì mục tiêu lõi: kết thúc chiến tranh. Điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc chiến Israel-Hamas, nơi các cuộc đàm phán ngừng bắn lặp đi lặp lại đã được trình bày như một tiến bộ nhưng chủ yếu là nhằm quản lý hình ảnh chính trị giữa áp lực toàn cầu ngày càng tăng.
Mỗi vòng đàm phán đã theo một chu trình có thể dự đoán: một đợt yêu cầu tạm dừng nhân đạo, các cuộc gặp gỡ ngoại giao được dàn dựng kỹ lưỡng, và cuối cùng là sự sụp đổ, trong khi các lãnh đạo Israel tiếp tục theo đuổi chiến thắng quân sự hoàn toàn. Ngừng bắn gần đây, được cho là do chính quyền Trump ở Mỹ làm trung gian, đã tạo ra một khoảng dừng trong bạo lực.
Tuy nhiên, sự tập trung hẹp của nó vào Gaza nhanh chóng bị Israel thay thế bằng một chiến dịch quân sự mới ở Bờ Tây - nhấn mạnh cách thức mà hòa bình có thể bị phân mảnh và thay thế bạo lực thay vì giải quyết nó. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các ngừng bắn như vậy có chỉ là các động thái chiến lược cho phép chuyển hướng sự tập trung quân sự đến nơi khác.
Một xu hướng tương tự đang diễn ra ở Ukraine, nơi các tuyên bố ngoại giao từ Mỹ, Trung Quốc và các tác nhân khác chủ yếu là sự thể hiện chính trị thay vì vai trò trung gian thực sự.
Nếu các bên liên quan tiếp tục coi hòa bình như một công cụ địa chính trị thay vì một quá trình giải quyết xung đột thực sự, hậu quả có thể rất nghiêm trọng - kéo dài các cuộc xung đột, làm sâu sắc thêm sự đối đầu, làm xói mòn niềm tin vào ngoại giao, và đầu độc khái niệm “hòa bình”.
Hậu quả nghiêm trọng nhất có thể là sự trở lại của chiến tranh không kiềm chế, nơi chiến thắng quân sự hoàn toàn trở thành con đường duy nhất dẫn đến giải quyết trong một thế giới đa cực.
Thách thức hiện nay không chỉ là chỉ trích hòa bình chiến lược, mà là đảm bảo rằng nó không trở thành hình thức hòa bình duy nhất còn lại./.
Nguồn tham khảo: Foreign Policy
Nội dung liên quan
- Bloomberg: Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine
- Tóm tắt chi tiết cuộc gặp giữa Donald Trump và Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng
- Nga và Mỹ chốt 4 nguyên tắc quan hệ song phương, cân nhắc hợp tác kinh tế hậu xung đột Ukraine
- Giải mã: Tất tần tật về Greenland và tầm quan trọng địa chính trị của hòn đảo này