Nếu bạn cho rằng Greenland chỉ là một hòn đảo lạnh lẽo và xa xôi nào đó ở gần Bắc Cực, thì có lẽ bạn đang bỏ qua một 'điểm nóng' trong cuộc tranh giành quyền lực và tầm ảnh hưởng của các siêu cường. Greenland hấp dẫn thế nào với Mỹ, Nga và Trung Quốc?

Ông Trump không phải lãnh đạo Mỹ đầu tiên muốn mua Greenland. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần công khai ý định thâu tóm Greenland, dù bằng biện pháp kinh tế hay sức mạnh quân sự. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, hòn đảo này có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Nga tại Bắc Cực.
Điều gì khiến ông Trump mê mẩn Greenland đến vậy?
Greenland đang trong tay ai?
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, với dân số khoảng 56.000 người, chủ yếu là người Inuit. Đây là một vùng lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch.
"Chính phủ" Greenland quản lý hầu hết các vấn đề trong nước, bao gồm: giáo dục, y tế và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Trong khi, chính phủ Đan Mạch giữ quyền quyết định cuối cùng về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, Greenland đang ngày càng gia tăng mức độ tự chủ. Năm 2024, Greenland công bố chiến lược Đối ngoại, Quốc phòng và An ninh giai đoạn 2024-2033 với tiêu đề: Greenland trên bản đồ thế giới – Không có gì của chúng tôi mà chúng tôi không được quyền quyết định.
Từng là thuộc địa, sau đó trở thành một tỉnh của Đan Mạch, Greenland giành được
quyền tự chủ vào năm
1979.
Đạo luật Chính quyền Tự quản Greenland năm 2009 đã mở rộng quyền hạn của hòn đảo, đồng thời trao cho người dân Greenland quyền tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch.
Dù phần lớn người Greenland ủng hộ viễn cảnh độc lập, sự phụ thuộc kinh tế vào các khoản trợ cấp từ Đan Mạch vẫn là trở ngại lớn đối với mục tiêu này.
Tại sao Greenland hấp dẫn đến vây·?
Vị trí địa chính trị
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Bắc Cực nhìn chung là khu vực hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, cạnh tranh tài nguyên và sự gia tăng quân sự hóa - đặc biệt từ phía Nga—đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trong thập kỷ qua.
Cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga năm 2022 đã phá vỡ quan hệ giữa nước này với bảy quốc gia Bắc Cực còn lại (Canada, Vương quốc Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ), thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO lần lượt vào năm 2023 và 2024.
Do đó, hiện tại, tất cả các quốc gia Bắc Cực, ngoại trừ Nga, đều là thành viên NATO.
Điều này càng khiến cho tầm quan trọng của khu vực Bắc Cực với NATO gia tăng, bao gồm cả Greenland - vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Đan Mạch, vốn mặc định là một phần của liên minh quân sự này.
Căn cứ quân sự
Greenland là nơi đặt Căn cứ Không gian Pituffik (trước đây là Căn cứ Không quân Thule), một cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ đảm nhiệm vai trò cảnh báo sớm về tên lửa, phòng thủ và giám sát không gian.
Ngoài ra, Greenland cũng nằm trong khoảng trống GIUK (Greenland-Iceland-Vương quốc Anh), một điểm kiểm soát chiến lược về tác chiến chống tàu ngầm trong Chiến tranh Lạnh, vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát và có thể hạn chế hoạt động của hải quân Nga ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
Tuy nhiên, giá trị quân sự của Greenland đối với Mỹ đã giảm dần từ sau Chiến tranh Lạnh do sự phát triển của công nghệ quân sự, và các khoản đầu tư ngắt quãng vào căn cứ Pituffik trong nhiều năm qua.
Tuyến vận chuyển mới thay thế kênh đào Suez và Panama?
Greenland chiếm vị trí quan trọng dọc theo hai tuyến đường hàng hải tiềm năng qua Bắc Cực: hành lang Tây Bắc (dọc theo bờ biển phía bắc Bắc Mỹ) và Tuyến đường Biển Xuyên Cực (qua trung tâm Bắc Băng Dương).
Khi băng Bắc Cực tan chảy do biến đổi khí hậu, các tuyến đường này có thể giúp giảm thời gian vận chuyển và tránh được các điểm tắc nghẽn truyền thống như kênh đào Suez và Panama.
Tuy nhiên, hiện tại, những tuyến đường này vẫn chưa khả thi về mặt thương mại và có thể còn mất nhiều năm để phát triển do thời tiết khắc nghiệt và băng trôi.
Về lâu dài, khi giao thông hàng hải ở Bắc Băng Dương gia tăng, Greenland sẽ đóng vai trò quan trọng trong quản lý khu vực này, bao gồm công tác ứng phó khẩn cấp, phòng ngừa và kiểm soát.
Sự phát triển của các tuyến vận chuyển mới và các hoạt động hàng hải khác sẽ phụ thuộc vào đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng hải, và Greenland có vị trí thuận lợi để hưởng lợi cũng như trợ giúp quản lý những khoản đầu tư này.

Một người phụ nữ đứng cạnh một ăng-ten tại trại căn cứ của NYU ở sông băng Helheim ở Greenland. Các nhà nghiên cứu quốc tế ngày càng quan tâm đến việc tiến hành nghiên cứu ở Greenland do tầm quan trọng của nơi này đối với hệ thống khí hậu toàn cầu.
Tài nguyên thiên nhiên
Băng tan và mực nước biển dâng đang làm lộ rõ các mỏ khoáng sản và tài nguyên hydrocarbon phong phú của Greenland, thu hút sự chú ý của các quốc gia cạnh tranh trong cuộc đua chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên vẫn gặp nhiều thách thức do điều kiện môi trường khắc nghiệt, vị trí hẻo lánh, thiếu cơ sở hạ tầng, chi phí khai thác cao và mối quan ngại của người dân địa phương về tác động môi trường cũng như ảnh hưởng đến sinh kế truyền thống.
Đất hiếm
Greenland là một nguồn cung cấp tiềm năng nhiều loại khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Đặc biệt, hòn đảo này sở hữu trữ lượng lớn các nguyên tố đất hiếm (REE)—thành phần thiết yếu trong sản xuất pin, công nghệ gió và năng lượng mặt trời, cũng như thiết bị quân sự tiên tiến.
Các nước phương Tây coi tài nguyên khoáng sản của Greenland là cơ hội để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia hiện đang thống trị chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng này.
Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đến nguồn tài nguyên của Greenland, nhưng một dự án đất hiếm do Trung Quốc hậu thuẫn đã bị đình trệ sau khi Greenland ban hành lệnh cấm khai thác uranium.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều băn khoăn về tính khả thi về mặt kinh tế của ngành khai khoáng tại Greenland do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khoảng cách xa, cơ sở hạ tầng hạn chế và chi phí vận hành cao.
Tính đến năm 2023, Greenland chỉ có hai mỏ đang hoạt động và một số dự án khác đang được phát triển.
Ngành khai khoáng cũng gây tranh cãi trong cộng đồng dân cư Greenland: trong khi một số người coi đây là con đường hướng tới độc lập, những người khác lo ngại về tác động môi trường và nguy cơ đối với các sinh kế truyền thống.
Tuy nhiên, họ đều thống nhất quan điểm, người dân Greenland sẽ là người quyết định việc khai thác.
Dầu mỏ và khí đốt
Theo báo cáo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ vào năm 2007, Greenland có thể sở hữu trữ lượng dầu khí đáng kể ngoài khơi. Tuy nhiên, chính quyền Greenland đã ngừng cấp giấy phép thăm dò dầu khí mới từ năm 2021, với lý do lo ngại về tính khả thi kinh tế và tác động môi trường của hoạt động khai thác.
Nước ngọt
Hoạt động khai thác thương mại băng và nước ngọt từ Greenland có thể giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Khoảng 20% trữ lượng nước ngọt toàn cầu đang nằm trong lớp băng phủ khổng lồ của hòn đảo này.

Một ngư dân neo thuyền khi nó trở về cảng với mẻ cá tuyết đánh bắt được ở gần Greenland
Ngư nghiệp
Ngành đánh bắt cá đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Greenland, cung cấp sinh kế cho cộng đồng địa phương, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đóng góp đáng kể vào GDP của nước này.
Greenland là một nhân tố quan trọng trong nguồn cung thủy sản toàn cầu, và với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, vai trò của hòn đảo này có thể ngày càng lớn hơn.
Greenland có chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc hay không?
Trung Quốc từng bày tỏ sự quan tâm đến tài nguyên khoáng sản của Greenland và vị trí chiến lược của hòn đảo này gần các tuyến vận tải tiềm năng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự hiện diện của Trung Quốc tại Greenland đã suy giảm đáng kể.
Năm 2018, Trung Quốc công bố Sách trắng về chiến lược Bắc Cực, trong đó đề xuất xây dựng "Con đường Tơ lụa vùng Cực", tương tự như sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà quốc gia này đang triển khai trên toàn cầu. Trong những năm 2010, Greenland từng thu hút sự quan tâm từ các công ty khai khoáng Trung Quốc, nhưng các dự án khai thác có sự tham gia của Trung Quốc sau đó đã bị đình trệ hoặc thất bại.
Áp lực từ Mỹ cũng góp phần dập tắt các kế hoạch của Trung Quốc tại Greenland, bao gồm các nỗ lực đầu tư vào sân bay mới và đề xuất chuyển đổi một căn cứ hải quân cũ của Đan Mạch thành trạm nghiên cứu. Dù Greenland sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế, Trung Quốc hiện không còn tích cực thúc đẩy các dự án tại đây.
Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Greenland, điều này không mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, bởi Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Rào cản để Mỹ mua lại Greenland?
Quyền tự quyết
Đạo luật Tự quản Greenland, được Quốc hội Đan Mạch phê chuẩn vào năm 2009, công nhận người Greenland là "một dân tộc theo luật pháp quốc tế, có quyền tự quyết".
Đồng nghĩa, Greenland không thể bị Mỹ – hay bất kỳ quốc gia nào khác – mua lại nếu không có sự đồng thuận của người dân Greenland.
Khí hậu và môi trường
Lớp băng ở Greenland đang tan nhanh chóng và là một trong những nguyên nhân chính khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao, biến hòn đảo này thành một tâm điểm trong nghiên cứu về hệ thống khí hậu toàn cầu.
Bên cạnh đó, Greenland còn sở hữu nhiều hệ sinh thái độc đáo và các khu vực đa dạng sinh học quan trọng, chẳng hạn như North Water Polynya—một vùng nước mở quanh năm và là một trong những khu vực có năng suất sinh học cao nhất Bắc Băng Dương.
Kiến thức bản địa và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu những thay đổi về khí hậu, môi trường và các tác động liên quan tại Greenland.
Do đó, các quốc gia có thể hợp tác với cộng đồng nghiên cứu lâu đời của Greenland để hỗ trợ các nghiên cứu chất lượng cao, dựa trên thực tế địa phương.
Greenland đã công bố Chiến lược Nghiên cứu Quốc gia 2022-2023 và đang xây dựng hướng dẫn đạo đức cho các nhà nghiên cứu quốc tế muốn thực hiện nghiên cứu tại đây.
Thực tế và tiềm năng
Cơ hội khai thác khoáng sản và vận chuyển xuyên Bắc Cực chưa khả thi trong tương lai gần.
Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm đến việc nghiên cứu tại Greenland do tầm quan trọng của hòn đảo này đối với hệ thống khí hậu toàn cầu.
Kết luận
Người dân Greenland quyết định tương lai của Greenland. Hoa Kỳ không cần phải sở hữu Greenland để đạt được các lợi ích an ninh và kinh tế của mình, và cách tiếp cận hiện tại của Tổng thống Mỹ Trump có thể phản tác dụng.
Những lời đe dọa của ông có thể dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn: Bị Greenland, Vương quốc Đan Mạch, các đồng minh của Hoa Kỳ cô lập, đồng thời huỷ hoại truyền thống hợp tác lâu đời về việc bảo tồn Bắc Cực lẫn các chuẩn mực của hệ thống quốc tế hiện nay./.
Theo Belfer Center, thuộc Havard Kennedy School