Hải Đăng 10 giờ trước
Người theo dõi

Him Lam rút khỏi dự án cầu Trần Hưng Đạo?

Nhiều năm sau khi rút khỏi dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Him Lam tiếp tục có động thái gây chú ý khi xin dừng việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo tại Hà Nội.

Thông tin CTCP Him Lam (Him Lam) dừng việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo mà Đại đoàn kết mới đưa đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, tại công văn số 153/2024/CV-HL, Tổng Giám đốc Him Lam Dương Công Hùng đã đề cập tới một số chướng ngại trong hai phương án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo.

Cụ thể, đối với phương án 1, nếu đầu tư theo BOT theo đúng quy định, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư 50% thì không có thời hạn hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Đối với phương án 2, nếu thời hạn hoàn vốn 26 năm thì tỷ lệ nguồn vốn sẽ là 70,4% ngân sách và 29,6% nhà đầu tư lại trái với quy định hiện hành.

Do đó, Him Lam đề nghị TP Hà Nội cho phép dừng việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và bàn giao lại cho TP Hà Nội toàn bộ hồ sơ đã nghiên cứu về dự án cầu Trần Hưng Đạo để thành phố tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo hình thức khác khả thi hơn.

Him Lam rút khỏi dự án cầu Trần Hưng Đạo: Vì sợ làm trái luật?Vị trí dự kiến xây cầu Trần Hưng Đạo

Nhắc lại một sự kiện cũ. Năm 2017, UBND Tp. Hà Nội đã “xoay” phương án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bằng hình thức BT, rồi sau đó giao cho Him Lam lập hồ sơ đề xuất.

Quỹ đất dự kiến được đem ra đối ứng có diện tích 440ha, trải rộng trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng đang trong quy hoạch nhằm thanh toán cho dự án và dự án nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long.

Tuy nhiên, đến năm 2019, doanh nghiệp lõi trong ‘đế chế’ đồ sộ gắn liền với tên tuổi của ông Dương Công Minh đã xin ngưng đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Sau khi Him Lam chủ động xin rút, Hà Nội đã chuyển dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy mới từ hình thức BT sang đầu tư công.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu/hầm Trần Hưng Đạo nằm trong 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng sẽ được xây dựng khu vực Hà Nội

Theo đó, cầu Trần Hưng Đạo có vị trí xây dựng ở giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy.

Phía trung tâm thành phố, chân cầu dự kiến tại khu vực ngã 5 phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông. Phía Long Biên, điểm cuối tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh)./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên