Thanh Giang 11 giờ trước
Người theo dõi

Giữa “tứ bề thọ địch”, Tim Cook sẽ dẫn dắt Apple ra sao?

Mới đây, ông Trump yêu cầu CEO Apple Tim Cook ngừng xây nhà máy ở Ấn Độ nhằm thúc đẩy gia tăng sản xuất tại Mỹ. Dẫu cho, tập đoàn này đang hướng tới mục tiêu 25% sản lượng iPhone toàn cầu sẽ đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới. 

ÔngTrump không hài lòng với kế hoạch sản xuất iPhone tại các nhà máy ở Ấn Độ (Ảnh: Fortune)

Mảng doanh thu iPhone tại Trung Quốc - một trong những thị trường quan trọng - đang sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí, báo giới còn ví von đây là giai đoạn  'cai nghiện' Trung Quốc của Apple. 

Bất ổn thuế quan, cạnh tranh trí tuệ nhân tạo (AI), gián đoạn chuỗi cung ứng,... loạt các sự kiện đang bủa vây  'gã khổng lồ' công nghệ. 

Apple - dưới sự dẫn dắt của Tim Cook - từ lâu đã chứng tỏ thế vững vàng của mình trước những sóng gió thị trường. 

Khi iPhone bị thách thức bởi những chiếc điện thoại cỡ lớn (phablet) trong thập kỷ trước, Apple đã phản ứng bình tĩnh, tung ra các mẫu lớn hơn và đạt được thành công lớn.

Tương tự, khi tranh chấp với FBI về việc mã hóa thiết bị sau vụ xả súng hàng loạt nổ ra, Apple cũng giải quyết ổn thỏa. Gần đây nhất, công ty đã vượt qua tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 để tiếp tục ra mắt và bàn giao sản phẩm.

Tuy vậy, Mark Gurman - cây viết kỳ cựu của Bloomberg - nhấn mạnh rằng Apple đang phải đối mặt với 'cơn đại thủy triều', bởi cùng một lúc Tim Cook sẽ phải lèo lái tập đoàn này vượt qua 7 vấn đề lớn. Bao gồm:

1. Thuế quan tác động đến hoạt động, phát triển sản phẩm và giá thiết bị

Mới đây, CEO Tim Cook cho biết, Apple có thể phải chịu khoản phí khoảng 900 triệu USD trong quý 2/2025 do những thay đổi trong chính sách thuế.

Con số chính xác sẽ được đưa ra khi chính quyền Trump công bố biểu thuế riêng cho smartphone. Do đó, Apple chưa thể đưa ra giải pháp ứng phó lâu dài.

Theo CEO tập đoàn, hiện nay phần lớn sản phẩm của Apple bán tại Mỹ được nhập khẩu từ Ấn Độ (đối với Iphone) và Việt Nam (đối với AirPods, Apple Watch, iPad và Mac). 

Với sản lượng hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm, Apple có thể phải chịu thuế hàng tỷ USD nếu mức thuế 26% đối với Ấn Độ và 46% đối với Việt Nam - nếu không có gì thay đổi sau 90 ngày hoãn thuế. 

Nếu Apple phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí, điều này sẽ tạo áp lực buộc công ty phải chứng minh rằng họ vẫn mang lại giá trị vượt trội. Song, trong những năm gần đây, ‘ông lớn’ này lại cho thấy sự thụt lùi khi sản phẩm mới thiếu một số tính năng so với đối thủ.

Thị phần của Apple tại Trung Quốc phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ Mỹ (Nguồn: CGTN).

2. Doanh số iPhone tại Trung Quốc lao dốc

Trong 10 quý vừa qua, doanh thu từ Trung Quốc đã sụt giảm đến 7 lần. Các đối thủ như Huawei và Xiaomi đang chiếm lĩnh thị trường, trong khi Apple gặp khó khăn do việc chuyển sản xuất sang Ấn Độ có thể khiến chính phủ Trung Quốc phản ứng tiêu cực.

Apple hiện đang hoạt động tại Trung Quốc theo "sự cho phép" của chính phủ nước này. Bất cứ lúc nào, nhà nước cũng có thể ép Apple phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ đám mây, trì hoãn kế hoạch ra mắt Apple Intelligence, từ chối cấp visa cho kỹ sư hoặc tiến hành điều tra kinh doanh. Chính quyền thậm chí có thể thu hồi giấy phép bán sản phẩm của Apple, hạn chế nhập khẩu linh kiện hoặc cấm xuất khẩu thiết bị.

Điều đó đồng nghĩa với việc CEO Tim Cook đang đi trên 'một sợi dây mỏng' - cân bằng giữa yêu cầu của cả Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi hàng loạt rủi ro tiềm ẩn khác vẫn đang chực chờ.

3. Nguy cơ mất thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD với Google

Apple đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới đối với mảng kinh doanh dịch vụ - khả năng mất nguồn thu từ Google.

Google được cho là đã tiêu tốn 20 tỷ USD mỗi năm cho Apple để công cụ tìm kiếm này được mặc định trên iPhone. Thỏa thuận này giữa 2 ông lớn công nghệ là trọng tâm của vụ kiện chống độc quyền chính phủ Mỹ. 

Nếu Bộ Tư pháp Mỹ quyết định chấm dứt thỏa thuận này, Apple sẽ mất đi một khoản doanh thu đáng kể - chiếm khoảng 1/5 tổng doanh thu dịch vụ hàng năm của Apple (100 tỷ USD).

4. Khó khăn trong phát triển AI

Apple hiện đang 'tụt hậu' trong cuộc đua AI so với Google, Samsung và các đối thủ Trung Quốc. Từng tiên phong với các công nghệ như giao diện cảm ứng đa điểm, nhưng giờ đây Táo khuyết lại gặp khó trong việc bắt kịp công nghệ AI thế hệ mới.

Bởi vậy, tập đoàn cần làm chủ công nghệ AI để phát triển thế hệ thiết bị tiếp theo, bao gồm kính thông minh - có hoặc không có thực tế tăng cường (AR), robot gia đình và các thiết bị đột phá khác trong tương lai.

Các nỗ lực hiện tại của Apple nhằm làm thiết bị thông minh hơn bằng cách thêm camera vào AirPods và Apple Watch sẽ chỉ có hiệu quả nếu mảng trí tuệ nhân tạo của hãng đủ mạnh.

'Ông lớn' này đang nỗ lực xoay chuyển tình thế bằng cách tái cấu trúc quản lý, nhưng sẽ cần thêm thời gian để xác định liệu tập đoàn có đang đi đúng hướng hay không.

5. Quyết định của tòa án về App Store

Năm 2021, thẩm phán tại California kết luận Apple phải cho phép nhà phát triển bên thứ ba giới thiệu cổng thanh toán ngoài cho người dùng, bỏ qua hệ thống của Apple với phí giao dịch tối đa 30%.

Trước đó, tập đoàn đã yêu cầu các nhà phát triển nộp lại 27% doanh thu từ các giao dịch bên ngoài App Store. Nếu không tuân thủ, các nhà phát triển có thể bị cấm hoạt động. 

Đến cuối tháng 4, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers ra lệnh buộc Apple ngừng nhận khoản tiền này.

6. Áp lực từ các cơ quan chức năng tại Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nơi khác.

Không chỉ tại Mỹ, chính phủ các quốc gia khác cũng đang tăng cường sức ép lên Apple. Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (FTC) đang chuẩn bị ban hành các quy định mới đối với App Store, cho phép phạt Apple lên tới 30% doanh thu mà hãng tạo ra tại quốc gia này.

Tại Hàn Quốc, Apple cũng đang đối mặt với nguy cơ bị phạt do các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền liên quan đến việc ép buộc các nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán của mình.

 7. Vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Apple với cáo buộc hoạt động cạnh tranh không lành mạnh

Cuối cùng, vụ kiện từ Bộ Tư pháp Mỹ, tới nay vẫn chưa có kết quả. Cơ quan cáo buộc hệ sinh thái iPhone của Apple độc quyền, gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhà phát triển và nhà sản xuất điện thoại đối thủ...

Trước những thách thức trên, cộng đồng đang theo dõi sát sao hướng đi mới CEO Tim Cook, đặc biệt trong mảng AI và dịch vụ. Nếu không, việc mất lợi thế công nghệ, kết hợp với những rủi ro từ chính sách và thị trường quốc tế, sẽ sớm khiến gã khổng lồ Apple rơi vào khủng hoảng./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg

Nguồn: Bloomberg
Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên