Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể tiệm cận mức 5.000 USD vào năm 2025

10:27 04/11/2024

CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) đã dự đoán như vậy trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây.

Cụ thể, VNDirect đánh giá, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kể từ quý 2/2024 nhờ số lượng đơn đặt hàng sản xuất tăng mạnh từ tháng 4/2024 – 8/2024 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực, điều này đã bù đắp cho những tác động tiêu cực từ cơn bão Yagi trong tháng 9 vừa qua.

>

Trên cơ sở đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ, với dự báo GDP quý 4/2024 tăng 7,1% so với cùng kỳ.

“Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%, từ mức dự báo trước đó là 6,7%, để phản ánh kết quả quý 3 tốt hơn kỳ vọng và mức tăng trưởng tích cực trong quý 4”, báo cáo nêu.

VNDirect cho rằng, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đến từ các yếu tố sau:

Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu

Năm 2024 đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ toàn cầu khi chứng kiến 150 lần cắt giảm lãi suất so với chỉ 23 lần tăng lãi suất. Xu hướng nới lỏng này đang diễn ra ở hầu hết các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed, ECB (NHTW Châu Âu) và PBOC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc).

Trên cơ sở đó, báo cáo kỳ vọng xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ tiếp diễn ít nhất đến năm 2025, khi lạm phát ở các nước phát triển dần dần đạt đến mục tiêu của các NHTW. Điều này sẽ mở ra nhiều dư địa hơn để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn tới, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng cung tiền thông qua mua vào dự trữ ngoại hối và duy trì hoặc thậm chí giảm nhẹ lãi suất điều hành để giữ lãi suất thị trường ở mức thấp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, môi trường tín dụng nới lỏng toàn cầu cũng sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư xuyên biên giới và củng cố triển vọng không chỉ đối với FDI mà cả đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam trong năm 2025.

Triển vọng tích cực cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam

Môi trường tín dụng toàn cầu nới lỏng, cùng với thu nhập thực tế được cải thiện (nhờ lạm phát giảm), sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển.
 
Điều này được phản ánh trong dữ liệu kinh tế vĩ mô gần đây, khi doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 9, vượt mức dự báo là 0,3% và mức tăng khiêm tốn 0,1% được ghi nhận trong tháng 8.

"Doanh số bán lẻ của Mỹ cao hơn dự kiến trong tháng 9 củng cố cho triển vọng “hạ cánh mềm” của Mỹ, từ đó triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2025 có thể tích cực hơn so với những dự báo khiêm tốn trước đó", báo cáo đánh giá.

Đồng thời, IMF mới cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu trong năm 2025 lần lượt là 2,2% và 3,2%. Tăng trưởng toàn cầu ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ cho triển vọng hoạt động xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong năm tới.

Theo đó, các chuyên gia của VNDirect dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng khả quan ở mức 9-10% svck trong năm 2025. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong 9T24 sẽ góp phần cải thiện hơn nữa hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong năm 2025.

Tiêu dùng nội địa tiếp tục cải thiện

Xu hướng mở rộng mạnh mẽ của khu vực công nghiệp đang thúc đẩy sự phục hồi của thị trường việc làm, đồng thời cải thiện thu nhập và tiết kiệm của người dân. Xu hướng này, cùng với việc lạm phát hạ nhiệt và chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi nhu cầu nội địa trong những quý tới.

" Chúng tôi dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tiệm cận mức 5.000 USD/người vào năm 2025, đánh dấu điểm khởi đầu của giai đoạn bùng nổ tiêu dùng (kỳ vọng) ở Việt Nam", báo cáo nhấn mạnh.

Tăng trưởng đầu tư tư nhân

Báo cáo kỳ vọng đầu tư tư nhân sẽ cải thiện hơn nữa vào năm 2025 khi các doanh nghiệp triển khai các dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu tăng cao.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay thấp cùng với môi trường tín dụng toàn cầu nới lỏng hơn và sự phục hồi dần dần của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới.

Có thể thấy, đầu tư tư nhân là động lực tăng trưởng hàng đầu của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 15% trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân mới phục hồi một phần và đạt mức tăng trưởng 7,1% svck trong 9 tháng năm 2024.

Liên quan đến rủi ro chính đối với dự báo tăng trưởng, báo cáo của VNDirect cho biết, bất kỳ khả năng dù nhỏ, về suy thoái kinh tế của Mỹ đều cần được theo dõi chặt chẽ, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, lạm phát dai dẳng ở Mỹ có thể khiến Fed cắt giảm lãi suất chậm hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, khủng hoảng chưa có hồi kết trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu phân mảnh có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam./.