Cụ thể, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 lên 7%, tăng so với dự báo trước đó là 6,5%. Đây cũng là mức dự áo tăng trưởng cao nhất mà một tổ chức tài chính quốc tế đưa ra với nền kinh tế của nước ta trong năm nay.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo về GDP của Việt Nam năm 2024 là 6%, World Bank nâng dự báo lên 6,1%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và UOB đều nâng dự báo lên mức mới, lần lượt là 6,1% và 6,4%.
Theo HSBC, sau 2023 và quý I/2024 còn khó khăn, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của khu vực đông Nam Á. Kết quả này có được nhờ sản xuất tăng trưởng, xuất khẩu tiếp tục phục hồi, đồng thời lan rộng ra nhiều khu vực hơn, từ điện tử cho đến dệt may.
Trong thời gian qua, dù siêu bão Yagi có khả năng góp phần kéo tụt về tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 9, nhưng tác động được dự báo là sẽ không kéo dài.
Hơn nữa, do hiệu ứng cơ sở cùng diễn biến giá thuận lợi có liên quan đến giá hàng hóa và biến động tỷ giá nên lạm phát đã có dấu hiệu giảm trong những tháng gần đây.
HSBC dự báo, lạm phát cả năm ở mức 3,6%, dưới mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, lãi suất chính sách khả năng vẫn duy trì ở mức hiện tại, với 4,5%.
"Với sự phục hồi vẫn diễn ra không đồng đều, chúng tôi kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách nới lỏng, giữ lãi suất chính sách ở mức 4,5%/ năm cho đến hết năm 2025", chuyên gia tại HSBC nhận định.
Trong quý III vừa qua, các lĩnh vực như bất động sản, năng lượng đều chứng kiến đầu tư FDI gia tăng. Theo HSBC, trong tương lai, các dòng vốn đổ vào sản xuất có khả năng duy trì sự ổn định khi chuyến công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang Mỹ đã gặt hái được sự quan tâm từ một số công ty công nghệ hàng đầu như Meta.
Bên cạnh đó, những nỗ lực không ngừng thắt chặt thêm quan hệ với những đối tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư. Chẳng hạn, mới đây, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Pháp lên đối tác chiến lược toàn diện./.
Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường