Vũ Đức 7 giờ trước
Người theo dõi

Động lực nào giúp "nữ hoàng altcoin" ETH cất cánh?

ETH hiện đang giao dịch quanh mốc 3.600 USD, tăng 23% trong một tuần. Con số này vượt xa mức tăng 13% của Bitcoin và 10% của toàn thị trường crypto. Động lực mới của "nữ hoàng altcoin" không còn đến từ NFT hay DeFi, mà đến từ sự công nhận ngày càng sâu rộng của giới tài chính truyền thống.

Khi stablecoin, RWA và các ứng dụng thực tế mở rộng, ETH không còn là một token tiện ích – mà trở thành “dầu kỹ thuật số” cho hệ sinh thái.

Mỗi chu kỳ tăng giá đều cần một “narrative” mạnh. Năm 2021, Ethereum cất cánh nhờ làn sóng NFT và DeFi. Nhưng hiện tại, những bức ảnh JPEG giá triệu đô hay các sàn DEX không còn là tâm điểm nữa. 

Thay vào đó, Ethereum đang ghi điểm nhờ mối liên kết ngày càng sâu rộng với hệ thống tài chính truyền thống (TradFi), đặc biệt qua stablecoin và token hóa tài sản thực (RWA).

Theo báo cáo mới của Electric Capital, Ethereum là nền tảng dẫn đầu về phát hành và thanh toán bằng stablecoin. Từ năm 2020 đến nay, lượng stablecoin lưu hành đã tăng gấp 60 lần, đạt trên 200 tỷ USD.

Trong đó, các phiên bản stablecoin tạo lợi suất (yield-bearing) - hiện có vốn hóa hơn 4 tỷ USD - đang trở thành phân khúc phát triển nhanh nhất.

Ethereum vẫn thống trị thị trường này, nắm giữ hơn 54% tổng số stablecoin. Theo đó, mạng lưới này đáp ứng trọn bộ 3 tiêu chí cho một nền tảng stablecoin gồm: khả năng tiếp cận toàn cầu, bảo mật cấp tổ chức và trung lập chính trị.

Dù blockchain Tron đang chiếm 32% thị phần nhờ phí rẻ, nhưng lợi thế này đang dần biến mất khi lượng sử dụng tăng kéo theo chi phí. Trong khi đó, Ethereum lại giảm phí nhờ nâng cấp và giảm tắc nghẽn - yếu tố giúp củng cố vị thế là “lõi” của nền kinh tế USD số. 

Chỉ Ethereum đáp ứng 3 tiêu chí cốt lõi cho hạ tầng stablecoin (Nguồn:Electric Capital)

Khi hệ sinh thái này phát triển, vai trò của ETH như một tài sản dự trữ cũng ngày càng rõ nét – tương tự như trái phiếu kho bạc hoặc vàng trong tài chính truyền thống.

ETH là tài sản khan hiếm, phi tập trung, có thể staking, và đã được nhúng sâu vào hệ sinh thái DeFi, hiện đang thế chấp cho hơn 19 tỷ USD các khoản vay. Electric Capital cho rằng về lâu dài, ETH hoàn toàn có thể chiếm lĩnh một phần trong thị trường lưu trữ giá trị toàn cầu trị giá 500.000 tỷ USD. 

ETH đóng vai trò “đồng tiền yết giá”

Theo báo cáo mới của Fidelity, blockchain như Ethereum nên được hiểu là một nền kinh tế kỹ thuật số có chủ quyền, chứ không chỉ là nền tảng Web2. Giống như một nền kinh tế mở, Ethereum cho phép bất kỳ ai sản xuất hoặc tiêu thụ dịch vụ, trong đó ETH đóng vai trò “đồng tiền yết giá”, điều phối các hoạt động phi tập trung.

Fidelity đề xuất sử dụng khung phân tích kiểu GDP để đánh giá hoạt động kinh tế trên blockchain:

🔹“Tiêu dùng”: phí giao dịch trên giao thức;

🔹“Chính phủ”: chi tiêu của Ethereum Foundation;

🔹“Đầu tư”: hoạt động staking và thanh khoản trên sàn DEX;

🔹“Xuất khẩu ròng”: dòng giá trị chuyển qua các blockchain khác, đến thế giới thực (qua DePIN), và đến nền kinh tế truyền thống (thông qua stablecoin).

Theo Fidelity, ETH đóng vai trò phương tiện trao đổi và nơi lưu trữ giá trị trong mô hình kinh tế này. Khi hệ sinh thái Ethereum mở rộng, cầu về ETH cũng tăng lên.

Dữ liệu từ Artemis cho thấy ví hoạt động hằng ngày trên Ethereum vượt mốc 2,5 triệu, và số lượng giao dịch đạt mức cao nhất lịch sử: khoảng 19 triệu giao dịch/ngày.

Lượng giao dịch trên hệ sinh thái Ethereum và số ví hoạt động hàng ngày (Nguồn: Fidelity)

ETH - “dầu kỹ thuật số”

Nếu Bitcoin là “vàng kỹ thuật số”, thì Ethereum là sự kết hợp giữa lưu trữ giá trị và tiện ích, cung cấp năng lực tính toán, hỗ trợ DeFi, đồng thời mang lại lợi suất staking.

Khái niệm “dầu kỹ thuật số” bắt nguồn từ việc:

🔹ETH bị đốt như phí xăng (gas) trong mỗi giao dịch;

🔹Được dùng làm tài sản thế chấp (hiện khoảng 1/3 nguồn cung ETH đang đảm bảo cho stablecoin, tài sản token hóa và giao thức DeFi);

🔹Nguồn cung giới hạn, với tỷ lệ phát hành tối đa chỉ khoảng 1,51%/năm.

Hiện doanh thu từ phí của Ethereum đã giảm từ 82 triệu USD/ngày trong đợt tăng năm 2021 xuống còn 3 triệu USD hiện tại. Tuy nhiên, đây không phải là thông tin tiêu cực, mà là chiến lược ưu tiên mở rộng quy mô.

Giống như Amazon hay Tesla ở giai đoạn đầu, Ethereum hy sinh doanh thu ngắn hạn để đạt được mục tiêu tăng trưởng dài hạn, bằng cách giảm phí giao dịch thông qua các giải pháp layer-2. Qua đó, mở rộng thị trường mục tiêu, đồng thời, tăng lượng ETH bị đốt và thưởng staking về sau.

Ethereum – hạ tầng “chuẩn công nghiệp” cho thế giới tài chính mới

Dù logic của các bên phân tích có thể áp dụng cho các blockchain hợp đồng thông minh khác, nhưng tất cả đều ngầm khẳng định rằng Ethereum đang có lợi thế vượt trội.

Lợi thế này đến từ tính “chuẩn công nghiệp” của Ethereum: blockchain phi tập trung nhất, an toàn nhất, và có hệ sinh thái phát triển nhất.

Ethereum đang trở nên hấp dẫn hơn với giới tài chính truyền thống. Những hạn chế về khả năng mở rộng, giờ đây cũng được giải quyết phần lớn nhờ các giải pháp Layer-2.

Ethereum đang bước vào quỹ đạo tương tự, thời điểm mà dòng tiền tổ chức đẩy Bitcoin vào chu kỳ tăng giá./.

Chia sẻ
Báo cáo
Vũ Đức Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên