Nguyễn Minh Thứ Hai, 18/11/2024, 9:30 (GMT+7)
Người theo dõi

Doanh nghiệp Mỹ bị đưa vào "tầm ngắm" của Trung Quốc khi chiến tranh thương mại tái diễn

Với việc các chính sách thương mại và đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thiên hướng “diều hâu” đối với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ tỏ ra quan ngại rằng điều đó sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại như đã diễn ra trong năm 2018 và chính họ sẽ trở thành nạn nhân.

Ông Donald Trump không ít lần đề cập khả năng tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên ít nhất 60% và hứa hẹn sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào nền kinh tế số hai thế giới.

Các doanh nghiệp tại Mỹ sẽ phải vất vả tìm kiếm các nhà cung cấp mới trong khi người tiêu dùng có thể phải chi trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm quen thuộc. Sâu xa hơn, việc tăng thuế còn mang rủi ro kéo tăng tỷ lệ thất nghiệp tại nước này, theo một số chuyên gia kinh tế.

Đó là còn chưa kể tới phía Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp trả đũa, nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ.

“Những việc mà chính quyền của ông Trump sẽ thực hiện có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại mới”, ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhận định. "Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc có thể có những biện pháp đáp trả cứng rắn, không chỉ dừng lại ở thuế quan”, ông bổ sung.

Những biện pháp trả đũa có thể bao gồm những điều chỉnh liên quan tới chính sách kinh tế, ngoại giao và an ninh. “Họ sẽ chống trả quyết liệt nhất có thể”, ông Kennedy trả lời.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mang lại những rủi ro cho các doanh nghiệp Mỹ khi lòng tự tôn dân tộc được đề cao. Trong quá khứ, không ít các thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài đã bị người dân Trung Quốc “quay lưng”. Điều đó mang lại thiệt hại lớn khi Trung Quốc là một thị trường không hề nhỏ.

“Điều tồi tệ nhất là các nhãn hàng tiêu dùng không liên quan cũng sẽ bị bài trừ”, ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, chia sẻ.

“Kể từ đại dịch Covid, các doanh nghiệp đã nỗ lực để đa dạng hoá và củng cố chuỗi cung ứng nhưng việc tìm các phương án thay thế không hề đơn giản”, ông nói.

Doanh nghiệp Mỹ bị đưa vào tầm ngắm của Trung Quốc khi chiến tranh thương mại tái diễn

Trung Quốc "trả đũa" thuế quan Mỹ bằng cách nào?

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái trả đũa, bao gồm tăng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Hội đồng Thương mại Mỹ - Trung ước tính các động thái trả đũa qua lại lẫn nhau sẽ làm gia tăng áp lực doanh thu, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm (có thể lên tới 810.000 người lao động vào năm 2025) và kế hoạch đầu tư.

Các bang như Nevada, Florida và Arizona là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do có mối liên hệ chặt chẽ đối với Trung Quốc. Những bang mạnh về sản xuất như Indiana, Kansas, Michigan và Ohio cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, theo nghiên cứu của Oxford.

Trong suốt lần căng thẳng trước, Trung Quốc đã dừng mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Biện pháp trả đũa trên nhắm vào các mặt hàng quan trọng của Mỹ như đậu tương, gây thiệt hại cho các vùng nông thôn có sự ủng hộ lớn cho ông Trump.

Ông James McGregor, cố vấn kinh tế về Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh sẽ sử dụng lợi thế là khách mua nông sản lớn của Mỹ để tung ra các biện pháp đáp trả nếu họ cảm thấy bị đe doạ.

“Trên thực tế, Trung Quốc đã nhắm tới việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm nông sản từ Mỹ. Nếu các nguồn cung thay thế có sẵn, Trung Quốc chắc chắn sẽ chuyển hướng”, ông McGregor chia sẻ.

Hai năm trước, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu ngô từ Brazil. Quốc gia này hiện là nhà cung cấp ngô lớn nhất của Trung Quốc, vượt qua Mỹ.

Bắc Kinh cũng đã mở rộng các biện pháp trả đũa nhắm tới các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trên đất Trung Quốc. Môi trường kinh doanh tại Trung Quốc trở nên “khó khăn” hơn rất nhiều kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Bất chấp các nỗ lực thu hút các doanh nghiệp quốc tế, khảo sát môi trường kinh doanh 2024 tại thị trường Trung Quốc của AmCham, cho thấy 39% các doanh nghiệp nước này cảm thấy ít được chào đón.

Những thay đổi trong môi trường pháp luật mà Trung Quốc thực hiện cũng đe dọa tới hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ. Trong một vài năm gần đây, Trung Quốc tiến hành đánh giá lại một loạt các quy định kiểm soát xuất khẩu. Họ thắt chặt hoạt động xuất khẩu các kim loại quan trọng đối với tiến trình xanh hóa năng lượng tại Mỹ và lĩnh vực chip bán dẫn.

Các chuyên gia phân tích dự báo Trung Quốc sẽ có những động thái tương tự trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, làm gián đoạn nguồn cung nhiều linh kiện và nguyên liệu thiết yếu.

Bắc Kinh cũng tiến hành cải tiến các điều luật giúp giám sát hoạt động của các công ty nước ngoài. Thậm chí trước khi cuộc bầu cử diễn ra, một số hành động thực tế đã được thực hiện nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ. Ví dụ, PVH, ông chủ thương hiệu Calvin Klein, hiện đang bị điều tra theo quy định mới.

“Khả năng các biện pháp trả đũa nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc là hoàn toàn có thể, qua đó sẽ khiến họ bị đẩy lùi hoặc bị thay thế tại thị trường này”, McGregor cho biết./. 

Nguồn tham khảo: CNBC

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên