Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi nghị định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, mở rộng sang tài sản mã hóa. Đáng chú ý, nhà đầu tư Việt Nam có thể bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng nếu không chuyển crypto về các 'sàn hợp pháp'.
Cụ thể, tại Điều 45d. Hành vi vi phạm quy định về giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa, dự thảo nêu rõ:"Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa do Bộ Tài chính cấp phép trong thời hạn quy định".
Ngoài ra, các hành vi như tạo cung cầu giả, thông đồng giao dịch hay tung tin đồn sai lệch có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính giải thích chi tiết về hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa. Trong đó, dự thảo liệt kê 5 hành vi được xem như thao túng thị trường tài sản mã hóa, bao gồm:
🔸Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục giao dịch tài sản mã hóa nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
🔸Thông đồng với nhau giao dịch tài sản mã hóa mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá tài sản mã hóa, cung cầu giả tạo;
🔸Giao dịch bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch tài sản mã hóa gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá tài sản mã hóa, thao túng giá tài sản mã hóa;
🔸Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại tài sản mã hóa, về tổ chức phát hành tài sản mã hóa nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại tài sản đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại tài sản đó;
🔸Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá tài sản mã hóa.
Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa 1,5 - 2 tỷ đồng. Tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động 3 - 5 tháng.

Bộ cũng liệt kê một số các hành vi vi phạm liên quan đến tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa, bao gồm:
👉Phạt tiền từ 300 triệu đồng - 2 tỷ đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa không xác minh danh tính nhà đầu tư mở tài khoản; thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, không tách biệt quản lý tài sản mã hóa của khách với tự doanh;....
👉Phạt tiền từ 1 - 1,5 tỷ đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa thực hiện hành vi đưa loại tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
👉Phạt tiền từ 1,5 - 2 tỷ đồng đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép.
Bộ Tài chính cho biết khung phạt này nhằm kiểm soát rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư trong giai đoạn thí điểm. Giai đoạn này sẽ giúp cơ quan quản lý đánh giá toàn diện, xây dựng chính sách phù hợp cho thị trường tài sản số Việt Nam, đồng thời phối hợp với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước để giám sát chặt các sàn giao dịch tiền mã hóa.
Hiện Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia có số lượng người tham gia giao dịch crypto cao nhất thế giới. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý đầy đủ, các hoạt động ngầm hoặc không chính thức tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ gây tổn thất cho nhà đầu tư và làm suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước./.