Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Đề xuất giảm tới 70% phí chuyển đất nông nghiệp sang đất ở

08:41 14/07/2025

Nhằm giảm gánh nặng tài chính do bảng giá đất mới tăng cao, Bộ Tài chính đề xuất giảm từ 50 - 70% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất của người dân.

Đề xuất trên được Bộ Tài chính nêu tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2024 nhằm giảm thu bổ sung tiền sử dụng đất, vừa được cơ quan này trình Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Ngoài phương án giữ nguyên quy định hiện hành, tức phải nộp toàn bộ phần chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp theo bảng giá mới, Bộ đề xuất áp dụng lại cơ chế tính theo tỷ lệ phần trăm như trước đây.

Cụ thể, đối với những trường hợp chuyển đổi đất vườn, ao nằm trong cùng thửa đất có nhà ở, hoặc có nguồn gốc liền kề với nhà ở (nhưng đã bị tách thửa do yếu tố kỹ thuật trước năm 2004), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng cách tính tiền sử dụng đất theo tỷ lệ phần trăm thay vì thu toàn bộ phần chênh lệch.

Trong đó, đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp lên đất ở, Bộ Tài chính đề xuất giảm đến 70% tiền sử dụng đất đối với đất ở trong hạn mức và giảm 50% tiền đất ngoài hạn mức.

Theo Bộ Tài chính, đất vườn, ao liền kề nhà ở vốn được xem như “quỹ đất dự trữ để ở”, thường phát sinh khi người dân có nhu cầu tách hộ hoặc xây dựng nhà mới, song chưa được công nhận là đất ở. Trước đây, nhóm đất này được hưởng cơ chế tính tiền sử dụng đất ưu đãi, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, chính sách ưu đãi nói trên đã bị bãi bỏ. Việc chuyển đổi nay phải nộp toàn bộ phần chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp, tính trên toàn bộ diện tích và thời hạn sử dụng còn lại, không xét đến nguồn gốc hay hoàn cảnh cụ thể của thửa đất.

Trong khi đó, bảng giá đất mới tại nhiều địa phương được xây dựng sát với giá thị trường, khiến số tiền sử dụng đất người dân phải nộp sau khi chuyển mục đích tăng đột biến. 

Người dân làm thủ tục đất đai (Ảnh minh họa)

Thanh niên dẫn lời Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, đánh giá dự thảo lần này của Bộ Tài chính đã thể hiện sự tiếp thu ý kiến và thấu hiểu những khó khăn thực tế của người dân – đặc biệt là các hộ ở vùng ven có nhu cầu xây dựng nhà ở, chia đất cho con cái hoặc sở hữu đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu.

Ông dẫn chứng một thửa đất nông nghiệp rộng 91 m² tại huyện Củ Chi (TP.HCM), trước đây khi chuyển mục đích sử dụng theo Luật Đất đai 2013, người dân chỉ phải nộp khoảng 91 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị định 103/2024 và bảng giá đất mới của TP.HCM, số tiền này tăng vọt lên hơn 1,1 tỷ đồng. Nếu áp dụng theo dự thảo sửa đổi Nghị định 103, mức thu chỉ còn khoảng 350 triệu đồng (tương đương 30% phần chênh lệch), giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính.

Hoan nghênh đề xuất sửa đổi Nghị định 103 của Bộ Tài chính vì đã tiếp thu ý kiến của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhưng Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng quan điểm của Bộ vẫn chưa thực sự chính xác. Bởi giảm lúc này nhưng có thể tăng lúc khác, còn mức thu là cố định.

Do vậy, đối với hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích, vị này cho rằng nghị định cần quy định mức thu tiền sử dụng đất của đất ở trong hạn mức 20% và ngoài hạn mức 30%./.