Cao Lê Minh Long Thứ Bảy, 26/10/2024, 9:10 (GMT+7)
Người theo dõi

Đề xuất 19 chính sách đặc thù để làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Chính phủ đề xuất đầu tư 67,34 tỉ USD theo hình thức đầu tư công để làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, với 19 cơ chế, chính sách đặc thù.
Đề xuất 19 chính sách đặc thù để làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Đề xuất 19 chính sách đặc thù để làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Chính phủ vừa trình Quốc hội đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam (gọi tắt là Dự án). Tuyến đường dự kiến dài 1.541 km; đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Để sớm hoàn thành Dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam tại Kỳ họp thứ 8, sau đó sẽ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.

Dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm). Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha.

Hình thức đầu tư là đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1,713 triệu tỉ đồng (tương đương 67,34 tỉ USD). Nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc,... trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Chính phủ kiến nghị Dự án được áp dụng 19 cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù áp dụng để triển khai. Trong đó có những cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù như về cơ cấu nguồn vốn cho Dự án, Chính phủ đề xuất trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định sử dụng các nguồn trái phiếu Chính phủ; vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các nguồn vốn hợp pháp trong nước khác theo quy định của pháp luật.

Về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho Dự án, để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là chủ động trong việc bố trí nguồn lực đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2035, đề nghị giao thẩm quyền này từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho Dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

Về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, Chính phủ đề xuất UBND cấp tỉnh được điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng (hoặc Quy hoạch đô thị - nông thôn) tại các khu vực phụ cận ga đường sắt tốc độ cao khi cần thiết để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất và không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch xây dựng (hoặc Quy hoạch đô thị - nông thôn) cấp trên đã phê duyệt trước đó.

Về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ Dự án thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam./.

Nguồn tham khảo: Người Lao Động

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên