Đại biểu Quốc hội: Làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam bằng công nghệ nước nào cũng được, nhưng phải chuyển giao cho Việt Nam
18:09 13/11/2024
Đại biểu Hoàng Văn Cường đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, diễn ra sáng 13/11.
"Chúng ta phải làm chủ quá trình đầu tư để đầu tư toàn bộ các hệ thống đường sắt khác chứ không mua sản phẩm có sẵn dù mua sẵn thì rẻ hơn. Nhưng chúng ta thà đắt một lần nhưng chúng ta mãi mãi bền vững về sau", ông Cường cho hay.
>Vị này so sánh việc các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đều kéo dài hàng chục năm không hoàn thành, trong khi đó, dự án đường dây 500 kV mạch 3 triển khai rất thần tốc. Ông cho rằng, bí quyết để việc triển khai các đại dự án đạt tiến độ là làm chủ công nghệ.
"Do vậy, tôi xin đề nghị tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, không quan trọng là công nghệ của nước nào, nước nào cũng được nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta. Ta phải là nhà đầu tư, ta phải là người nhận công nghệ và triển khai. Nếu như nhà đầu tư nước ngoài vào thì 10 năm chắc chắn không hoàn thành", ông Cường nhấn mạnh, và cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề chuyển giao công nghệ thì sẽ đảm bảo tiến độ.
Quan trọng hơn, theo ông Cường, nếu làm chủ công nghệ thì sau dự án này Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp đường sắt. Nếu tiếp tục đi mua thì sau khi hoàn thành dự án sẽ tiếp tục bị phụ thuộc vào thiết bị, vận hành và cả bảo dưỡng, sửa chữa.
"Nếu như vậy thì nó trở thành một cái gánh nặng, một cái món nợ cho tất cả đời sau. Tôi cho rằng cái chi phí ấy là cái lớn", đại biểu đoàn Hà Nội nêu.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, Việt Nam đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt. Ông dẫn chứng 3 tuyến đường sắt đô thị hiện nay là công nghệ của 3 nước khác nhau nên hệ thống tiêu chuẩn rất khác nhau.
Việc chuyển giao công nghệ tới nay mới chỉ dừng ở việc đào tạo phục vụ vận hành còn trang thiết bị khai thác vận hành hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài, chưa sản xuất trong nước. "Trường hợp phải thay thế phải phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài, rất khó khăn", ông Thường nói.
Ông Thường đề nghị cần phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật nhất quán cho đường sắt. Cùng đó, phải có một cơ quan thống nhất chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành, bảo trì đường sắt trên cả nước.
>Về chuyển giao công nghệ, ông Thường nhấn mạnh không chỉ chuyển giao khai thác vận hành mà phải bao gồm sản xuất, lắp đặt trang thiết bị đặc biệt công nghệ lõi như tàu điện, đường ray, hệ thống tín hiệu.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên doanh với nhà thầu trong nước, đàm phán chuyển giao công nghệ cho công ty trong nước, ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu. "Và phải thành lập bộ phận giám sát việc chuyển giao công nghệ này", ông Thường nêu.
Nguồn tham khảo: Thanh niên