Cuộc thanh lọc tàn khốc của chiến trường xe điện Trung Quốc: 300 startup chỉ còn 7 hãng lớn sống sót
14:08 23/11/2024
Từng "nở rộ" khi có tới 300 startup đua nhau khởi nghiệp, giờ đây, ngành xe điện Trung Quốc đang phải chứng kiến cuộc thanh lọc "tàn khốc" bậc nhất lịch sử.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang phải đẩy mạnh các biện pháp cắt giảm chi phí và ra mắt mẫu xe mới. Mục đích cuối cùng của động thái này, dĩ nhiên là để "sinh tồn" qua cuộc thanh lọc khốc liệt của chiến trường xe điện.
Bên cạnh đó, tình trạng "thừa cung, thiếu cầu" đến nay vẫn chưa có lời giải khiến những công ty khó có thể duy trì hoạt động mà không cần đến nguồn tài trợ bên ngoài.
Một báo cáo từ ấn phẩm đầu tư trực tuyến Gelonghui tại Trung Quốc chỉ ra rằng, sản lượng pin xe điện của Trung Quốc dự kiến đạt 4.800 GWh vào năm 2025, gấp bốn lần nhu cầu thực tế, đẩy ngành này đối mặt với nguy cơ dư thừa trên diện rộng.
“Khi thị trường trong nước trở nên bão hòa và doanh số bán hàng tại các nền kinh tế phát triển bị cản trở bởi thuế quan, các công ty chủ chốt sẽ phải kiểm soát chặt chẽ chi phí và hạn chế chi tiêu. Họ cần tiết kiệm tiền cho những khó khăn sắp tới. Thị trường đã bước vào một giai đoạn mới. Tất cả các công ty sẽ sớm phải đối mặt với thời khắc sinh tử”, ông Chen Jinzhu, Tổng giám đốc điều hành của Shanghai Mingliang Auto Service, một công ty tư vấn trong ngành, cho biết.
Trong khi đó, ông He Xiaopeng, Chủ tịch kiêm CEO của nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc Xpeng, cho rằng hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện nay sẽ không thể tồn tại trong thập kỷ tới.
“Trong số 300 công ty khởi nghiệp, chỉ còn chưa đến 50 công ty vẫn tồn tại. Chỉ có 40 doanh nghiệp đang thực sự bán hàng”, ông He nhận định, đồng thời nói thêm rằng “sẽ chỉ còn 7 hãng lớn tồn tại trong 10 năm tới”.
Đáng chú ý, theo Trung tâm chiến lược quốc tế (CSIS), chính phủ Trung Quốc đã phải hỗ trợ ít nhất 230,8 tỷ USD trong suốt hơn 1 thập kỷ qua để có thể xây dựng ngành xe điện thành công như ngày hôm nay.
Con số trên tương đương bình quân 18,8% doanh số bán xe của toàn ngành ô tô điện trong giai đoạn 2009-2023. Việc tất cả các công ty sản xuất xe điện dự kiến sẽ sớm phải đối mặt với "thời khắc sinh tử", vì thế, được cho là “cái kết buồn” cho Trung Quốc sau những nỗ lực công khai của chính phủ nước này.
Thị trường nước ngoài: Lối thoát hay bãi đỗ cho xe điện giá rẻ của Trung Quốc
Thị trường nội địa bão hòa, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc quay sang xuất khẩu để tìm lối thoát. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các thị trường trọng điểm. Mỹ và EU áp thuế suất cực cao với xe điện Trung Quốc, gần như "đóng sập cánh cửa" hai thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Trước tình thế này, xe điện Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn là bao.
Đơn cử như tại Việt Nam, mẫu H6 của Haval đã giảm giá tới 300 triệu đồng, đưa giá bán về mức 850 triệu VNĐ – một con số hấp dẫn hơn nhiều so với giá bán ban đầu nhằm kích cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi đã giảm giá, doanh số của Haval H6 vẫn là dấu hỏi lớn khi gần như không thể bắt gặp mẫu xe này ngoài đường.
Tại Thái Lan, tình hình tương tự cũng diễn ra với BYD khi mức giảm lên tới 340.000 baht (tương đương khoảng 233 triệu VNĐ) khiến nhiều khách hàng mua xe trước đó cảm thấy thiệt thòi. Họ lo lắng giá trị xe sẽ tiếp tục lao dốc, làm cho việc bán lại hoặc giữ giá trị xe trở nên khó khăn. Sự bất mãn này thậm chí còn khiến một số chủ sở hữu xe tại Thái Lan cân nhắc tới việc kiện tập thể hãng xe này để bảo vệ quyền lợi của mình.
Những chiến lược giảm giá làm giảm luôn cả niềm tin của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến bài toán doanh số. Các hãng xe điện Trung Quốc một lần nữa quay lại với bài toán giải quyết hàng tồn kho./.
Nguồn tham khảo: SCMP, The NY Times