Nếu bạn là một tín đồ của tiền mã hoá (crypto ), lĩnh vực này chính là tương lai. Còn nếu bạn là một người hoài nghi, thì đây chỉ là một kiểu Ponzi mới, trò lừa đảo mà sớm muộn cũng sẽ sụp đổ.
Nhưng tiền mã hoá đã len lỏi vào giới tài chính, công nghệ và thậm chí cả suy nghĩ của chúng ta. Và nếu điều gì không biến mất, thì tốt hơn hết chúng ta nên cố hiểu nó.
Mục tiêu của tôi là thuyết phục bạn rằng crypto rất thú vị, rằng nó đã tìm ra vài thứ mới mẻ về vài vấn đề cũ. Dù có sai, chúng cũng giúp khai sáng thêm điều gì đó.
Chúng ta đang sống trong ‘bể’ dữ liệu? Cuộc sống hiện đại không chỉ xoay quanh những vật thể hữu hình, như căn nhà hay chiếc xe, mà còn dựa trên những dòng dữ liệu vô hình nằm trong các cơ sở dữ liệu khổng lồ.
Tiền bạc, tài sản hay quyền sở hữu giờ đây đã được số hóa - hiện diện qua các mục trong sổ sách của ngân hàng hay danh sách cổ đông.
Nếu bạn có tiền gửi ngân hàng. Những gì bạn có là một địa chỉ trong cơ sở dữ liệu (database) của ngân hàng cho biết bạn có bao nhiêu tiền. Nếu sở hữu cổ phiếu, điều thường thấy là bạn sẽ xuất hiện trong dách sách cổ đông - do tổ chức phát hành, hoặc một số trung gian lưu giữ.
Nếu là một ngôi nhà, mọi thứ sẽ hơi khác một chút. Quyền sử hữu ngôi nhà của bạn sẽ được chính quyền lưu trữ trong một ‘tủ hồ sơ’ nào đó. Bạn có thể có chìa khóa mở cửa chính, đồ đạc của bạn ở đó, và hàng xóm sẽ thấy rất bình thường khi thấy bạn ra khỏi nhà vào buổi sáng. Tuy nhiên, họ sẽ rất ngạc nhiên nếu thấy người lạ xuất hiện.
Điều thực sự quan trọng lại là thông tin trong ‘tủ hồ sơ’ kia. Các định chế tài chính sẽ muốn đảm bảo rằng bạn có quyền sở hữu ngôi nhà trước khi giải ngân khoản cho vay thế chấp; người mua sẽ muốn thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng quyền sở hữu trước khi xuống tiền.
Tại nhiều nơi, bạn cần tin tưởng rằng chính phủ hoặc các đơn vị lưu trữ thông tin sẽ bảo vệ quyền lợi của mình. Ở các quốc gia phát triển, niềm tin này được củng cố bởi pháp luật và sự quản lý chặt chẽ của chính phủ. Nhưng không phải ai cũng may mắn sống trong một xã hội có tín nhiệm cao.
Thậm chí, ngay cả ở những nơi như Mỹ, niềm tin cũng có thể bị lung lay. Điển hình như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - một sự kiện đã làm xói mòn niềm tin vào các ngân hàng lớn trên toàn cầu.
Một điều đáng nói nữa là các hệ thống cơ sở dữ liệu hiện tại không hoàn toàn "tối ưu".
Đơn cử, một số khoản thanh toán tại Mỹ đôi khi vẫn phải thông qua séc giấy hoặc cần 2 ngày làm việc để hoàn tất giao dịch chứng khoán. Những quy trình này lạc hậu và dễ dẫn đến sai sót, khiến không ít người nghi ngại về hiệu quả và độ tin cậy của chúng.
Nếu bạn hình dung về cách thức hoạt động của cơ sở dữ liệu là thứ gì đó trên các máy tính hiện đại, thì cần phải có API (application programming interface - tạm dịch: giao diện lập trình ứng dụng), cho phép những cơ sở dữ liệu này tương tác với nhau.
Các ngân hàng cần dữ liệu xác tín bạn đang sở hữu căn nhà trước khi giải ngân khoản cho vay thế chấp. Họ cũng cần truy vấn dữ liệu của cơ quan đăng ký xe cơ giới và cấp phép lái xe (DMV) để xác nhận và kiểm tra tài sản của bạn.
Sẽ thế nào tất cả các cơ sở dữ liệu này được ‘code’ lại, thông qua các ngôn ngữ lập trình và phần mềm hiện đại, với mục đích để các cơ sở dữ liệu tương tác với nhau một cách mượt mà?
Nếu điều đó trở thành hiện thực, bạn sẽ có được một cơ sở dữ liệu duy nhất. Điều đó sẽ rất thuận tiện và hiệu quả nhưng cũng rất đáng sợ. Theo một nghĩa nào đó, bất kỳ ai điều hành cơ sở dữ liệu duy nhất này cũng chính là đang điều hành thế giới.
Đến blockchain và Bitcoin… Hãy bắt đầu từ Satoshi Nakamoto . Đây là một cái tên giả, và dù đó là ai đi nữa, họ cũng đã làm tốt trong việc giữ kín danh tính của mình. Tôi sẽ gọi Satoshi Nakamoto là “Satoshi” và dùng danh xưng “anh”, bởi hầu hết mọi người đều gọi như thế.
Satoshi Nakamoto đã trình làng một ý tưởng đột phá: Một hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, minh bạch, không cần bên thứ ba trung gian, mà ngày nay được biết đến rộng rãi với tên gọi blockchain. Đây chính là nền tảng của Bitcoin – loại tiền điện tử đầu tiên trên thế giới.
Khi diễn giải như trên, chúng ta có thể nhầm lẫn rằng Satoshi đã phát minh ra một hệ thống mà giao dịch bảo mật cho hai bên mà không cần bất cứ ai khác chứng thực. Nhưng đây mới là điều thú vị: Satoshi đã tạo ra một mạng lưới phi tập trung, nơi hàng ngàn người tham gia - bao gồm các thợ đào (miner), người xác minh, và các nút mạng (nodes) - đóng vai trò xác minh và ghi lại giao dịch.
Bitcoin cho phép tôi gửi tiền trực tiếp cho bạn. Nhưng, đằng sau đó, ở hậu trường, cả một hệ sinh thái đang hoạt động để đảm bảo giao dịch là hợp lệ, an toàn và không thể bị giả mạo. Đây không phải là hệ thống “không cần sự tin cậy” mà là hệ thống phân tán, thay thế các trung gian truyền thống bằng sức mạnh tập thể của mạng lưới toàn cầu.
Vào thời điểm đó, ý tưởng loại bỏ bên trung gian của Satoshi đã tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội. Đồng thời, crypto cũng gây ra sự chia rẽ trong giới tài chính.
Sổ cái phân tán (distributed ledger) của blockchain hoạt động như một mạng lưới ngang hàng (peer-to-peer). Mỗi giao dịch được xác minh và lưu trữ bởi các máy tính trên toàn cầu, thay vì bị kiểm soát bởi một ngân hàng hay chính phủ nào. Điều này giải quyết hai vấn đề lớn: loại bỏ sự phụ thuộc vào lòng tin và tăng cường tính bảo mật.
Bitcoin – đồng tiền điện tử đầu tiên trên blockchain – được thiết kế để mô phỏng vàng, với nguồn cung hữu hạn và quy trình "đào" giống như khai thác vàng vật lý. Điều đặc biệt ở Bitcoin là nó không cần một ngân hàng trung ương nào đứng ra phát hành hay điều hành, mà hoàn toàn vận hành dựa trên các thuật toán mã hóa.
Vậy crypto là gì? Tôi không chắc Satoshi có nhận thức được rằng, anh ta đang tạo ra một cuộc cách mạng khi ra mắt nền tảng điều hành cơ sở dữ liệu dành cho tất cả mọi người, phát khởi của “crypto”.
Nhưng, thông qua sách trắng (white paper), Satoshi đã biểu đạt tầm nhìn về hệ thống tiền điện tử ngang hàng (A Peer-to-Peer Electronic Cash System) - điều dẫn đến sự ra đời của Bitcoin.
Theo mô tả, đó là “hệ thống thanh toán điện tử dựa trên bằng chứng mật mã thay vì sự tin cậy”, cho phép “hai bên sẵn sàng giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần một bên thứ ba tín nhiệm”.
Hiểu một cách đơn giản, nếu tôi muốn mua thứ gì đó từ bằng Bitcoin, tôi chỉ cần gửi Bitcoin cho bạn, và bạn gửi hàng cho tôi. Không có ngân hàng hay bất kỳ trung gian tài chính nào tham gia vào giao dịch trên.
Cái tên crypto có thể là viết tắt của ‘cryptocurrency’ (tiền tệ được mã hóa). Tuy nhiên, tôi không nghĩ đây là cái tên hay bởi nó nhấn mạnh vào tính “tiền tệ” (currency), và rất nhiều crypto không thực sự có chức năng liên quan đến tiền tệ.
Crypto cũng có thể bắt nguồn từ ‘cryptography’ (mật mã học) bởi theo một tầng nghĩa sâu sắc, crypto là sản phẩm từ mật mã học.
Theo tôi, crypto là một tập hợp các ý tưởng, sản phẩm và công nghệ được phát triển từ cuốn sách trắng của Satoshi. Khi anh phát minh ra Bitcoin, giá của đồng tiền này là 0 USD. Ở thời điểm hiện tại mà tôi đang viết bài này, một Bitcoin có giá hơn hơn 67.000 USD và tổng giá trị thị trường crypto vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD.
Những người tham gia sớm trở nên giàu có và cũng không kém phần “ồn ào”. Họ tậu Lamborghini, mua đảo riêng, và tự hào cho rằng mình đang xây dựng tương lai. Những cụm từ như “Have fun staying poor” hay “NGMI” (Not Gonna Make It) được dùng để mỉa mai những ai đứng ngoài làn sóng này. Ở phía đối lập, những người không ưa crypto cho rằng nó chỉ phù hợp cho tội phạm hay mô hình Ponzi.
Khi Bitcoin lao dốc, những người hoài nghi về crypto cảm thấy vui sướng bởi họ không cần bận tâm đến thứ khái niệm mơ hồ này nữa. Với những tín đồ của crypto, sự sụt giảm giá là đợt thanh lọc những kẻ ngoại đạo, chỉ muốn làm giàu mà không muốn xây dựng cơ chế tài chính mới này.
Với người yêu tài chính, crypto là ‘phòng thí nghiệm’ cho những ý tưởng mới. Crypto liên tục tái phát minh và tái phát hiện những điều mà tài chính truyền thống đã làm hàng thế kỷ nay. Đôi khi nó tìm ra những cách mới hơn và tốt hơn để làm những điều đó./.
Crypto thú vị hơn bạn tưởng (kỳ 2): Hàm băm (hash function) là gì? Vì sao hàm băm lại quan trọng trong blockchain đến thế?