Nguyễn Minh Thứ Ba, 17/12/2024, 21:22 (GMT+7)
Người theo dõi

'Chơi rắn' với Apple để 'câu' vốn đầu tư , liệu chiêu bài của Indonesia có phản tác dụng?

Giới chuyên gia cảnh báo, chiêu bài 'câu' vốn đầu tư của Indonesia với Apple có thể gây phản tác dụng, theo CNBC.

Cụ thể, quy định tỷ lệ nội địa hóa cao mà Apple đã không thể bán các sản phẩm iPhone mới nhất của mình tại đất nước này. Theo đó, lệnh cấm chỉ được gỡ bỏ khi nhà "Táo khuyết" chấp nhận đầu tư hoặc lựa chọn lựa chọn các nguồn cung cấp linh kiện trong nước nhằm đạt được tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu.

Ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia tuyên bố sẽ nâng mức yêu cầu nội địa hóa cho các khoản đầu tư từ các hãng smartphone. Trước đó, chính phủ từ chối đề xuất 100 triệu USD của Apple nhằm mở đường cho iPhone 16, yêu cầu hãng phải rót ít nhất 1 tỷ USD vào sản xuất linh kiện điện thoại trong nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi cung ứng chuyển dịch từ Trung Quốc, liệu Indonesia có đang tự làm khó mình?

Ý tưởng của Indonesia không sai. Tỷ lệ nội địa hóa được thiết kế nhằm mục tiêu bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa đồng thời tạo ra một chuỗi cung ứng giá trị gia tăng trong nước. Nhưng các chính sách trên khiến giới chuyên gia lo ngại.

'Chơi rắn' với Apple để 'câu' vốn đầu tư , liệu chiêu bài của Indonesia có phản tác dụng?Chuyên gia lo ngại chính sách bảo hộ của Indonesia sẽ gây phản tác dụng

 “Tôi cho rằng đó là một chính sách 'bảo hộ biến tướng'. Phương pháp này thậm chí mang tính đe dọa các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn việc bảo vệ nền sản xuất trong nước”, ông Bhima Yudhistira Adhinegara, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và pháp lý (CELIOS), nhận định.

“Họ (chính phủ Indonesia) nghĩ rằng nếu họ làm những tập đoàn lớn như Apple lo sợ, họ sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn”, ông bổ sung.

Phần lớn chuyên gia tham gia khảo sát của CNBC thể hiện sự thiếu tin tưởng vào khả năng chính sách nội địa hóa đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút các công ty như Apple, thậm chí còn gây "phản tác dụng".

“Quy định tỷ lệ nội địa hóa chưa thành công trong việc thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho Indonesia. Thậm chí là ngược lại”, Arianto Patunru, Thành viên ban điều hành Trung tâm nghiên cứu chính sách Indonesia, chia sẻ.

“Tôi cho rằng chính sách đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư tại Indonesia, tạo ra tâm lý bất định về mặt chính sách”, giám đốc Adhinegara của CELIOS nhận định.

Còn theo Yessi Vadila, Chuyên gia thương mại tới từ Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, quy định tỷ lệ nội địa hóa tại Indonesia từng gây ra hiện tượng gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu và suy giảm năng suất lao động trong khi không mang lại nhiều lợi ích cho tăng trưởng và thị trường việc làm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chính sách nội địa hóa mà Indonesia áp dụng cũng đã mang lại những thành quả nhất định. Đơn cử như Samsung - một trong những đối thủ lớn nhất của Apple trong mảng điện thoại thông minh - đã phải đầu tư vào xứ vạn đảo vì những quy định kể trên.

Ngoài ra, Indonesia còn áp dụng một số chính sách bảo hộ khác như thuế quan cũng nhằm thu hút vốn đầu tư vào quốc gia này. Năm ngoái, nền tảng mạng xã hội TikTok đã phải đầu tư thông qua một đối tác nội địa mới có thể hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này./. 

Nguồn tham khảo: CNBC

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên