Cụ thể, Apple sẽ xây dựng một nhà máy ở Bandung và kết hợp với một danh sách các nhà cung ứng. Nhà máy này sẽ sản xuất chủ yếu các bộ phận và linh kiện cho Apple.
Tháng trước, Bộ công nghiệp quốc gia Indonesia đã từ chối gia hạn giấy phép bán iPhone 16 của Apple với lý do tập đoàn này chưa hoàn thành tiêu chuẩn nội địa hóa 40% sản phẩm của mình tại đây.
Chính phủ Indonesia đang cân nhắc lời đề nghị 10 triệu USD của Apple và vẫn đang đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng.
Hiện Apple không có bất kỳ nhà máy độc lập nào tại Indonesia và giống như hầu hết các công ty đa quốc gia khác, nhà táo khuyết cũng chỉ hợp tác với các nhà cung cấp địa phương để hoàn thành đóng gói linh kiện, sản phẩm chứ không sản xuất gì tại đây.
Bởi vậy việc đầu tư 10 triệu USD được cho là số tiền tương đối nhỏ để Apple có thể tiếp cận thị trường 278 triệu người tiêu dùng của Indonesia. Hơn một nửa dân số Indonesia dưới 44 tuổi và có sự am hiểu về công nghệ.
Mặc dù khoản đầu tư bổ sung của Apple có thể coi là một chiến thắng cho Indonesia nhưng cách tiếp cận mạnh tay này cũng có nguy cơ làm mất niềm tin với các tập đoàn đa quốc gia khác cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế chính phủ Indonesia thời gian gần đây đã mạnh tay hơn trong việc yêu cầu các tập đoàn quốc tế đổ tiền vào đầu tư phát triển sản xuất nội địa.
Đầu năm nay, chính phủ đã áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu đối với hàng nghìn sản phẩm, từ Macbook đến lốp xe đến hóa chất để buộc các công ty nước ngoài phải mở rộng quy mô sản xuất.
Những cố gắng của chính phủ Indonesia là có cơ sở khi bất chấp những lời kêu gọi liên tục đối với các tập đoàn quốc tế để thúc đẩy sản xuất trong nước, ngành công nghiệp địa phương của nước này vẫn đang trì trệ.
Tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia đã giảm xuống từ mức 21,1% năm 2014 xuống còn 18,7% vào năm 2023./.
Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường