Thanh Giang 11 giờ trước
Người theo dõi

Chip H20: ‘Vũ khí AI’ có thể đưa Trung Quốc vượt mặt Mỹ

Mỹ đã tạm hoãn các biện pháp siết chặt kiểm soát công nghệ nhằm tránh kích động Trung Quốc trước thềm vòng đàm phán thương mại lần thứ ba tại Stockholm – động thái đang trở thành tâm điểm tranh cãi giữa giới chức và cộng đồng doanh nghiệp Washington.

Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) – cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại giám sát chính sách kiểm soát xuất khẩu – được chỉ đạo không đưa ra những bước đi cứng rắn nhắm vào Trung Quốc.

Financial Times dẫn lời một số quan chức BIS cho biết, chỉ thị này đã được áp dụng trong vài tháng trở lại.

Minh chứng rõ nét là vào đầu tháng này, CEO Nvidia – ông Jensen Huang – thông báo chính quyền Trump sẽ cấp phép cho hãng nối lại hoạt động xuất khẩu chip H20 sang thị trường Trung Quốc. Ông đồng thời nhấn mạnh tham vọng của hãng trong việc phát triển các dòng chip ngày càng tiên tiến phục vụ thị trường tỷ dân.

Trước vòng đàm phán, giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng nếu hành động quá mạnh tay, Bắc Kinh có thể đáp trả bằng “kim bài” hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm – loại nguyên liệu chiến lược trong sản xuất công nghệ cao.

Lo ngại Trung Quốc soán ngôi cường quốc AI

Nhiều quan chức khác cảnh báo rằng việc tăng cường xuất khẩu chip H20 có thể giúp Trung Quốc gia tăng năng lực quân sự.

Ngày 28/7, một nhóm gồm 20 chuyên gia an ninh và cựu quan chức – trong đó có Matt Pottinger, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời ông Trump – đã gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick để bày tỏ quan ngại. “Đây là bước lùi chiến lược, làm xói mòn lợi thế kinh tế và quân sự của Mỹ trong cuộc đua AI”, bức thư nhấn mạnh.

Những người đồng tình còn bao gồm David Feith – cựu quan chức phụ trách công nghệ tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Liza Tobin – từng phục vụ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cùng nhà đầu tư nổi tiếng Kyle Bass – người lâu nay ủng hộ chính sách cứng rắn với Bắc Kinh.

Theo các chuyên gia, chip H20 là một “cỗ máy tăng tốc đáng gờm” trong lĩnh vực AI của Trung Quốc. Thậm chí, sản phẩm này có thể vượt qua chip H100 của Nvidia – dòng chip hiện bị Mỹ cấm xuất khẩu – ở khả năng “suy luận” (inference), giai đoạn vận hành thực tế của các mô hình AI.

Họ cảnh báo rằng H20 có thể giúp Bắc Kinh phát triển vũ khí tự động, hệ thống giám sát và các công nghệ quân sự hiện đại. “Chúng ta đang vô tình tiếp nhiên liệu cho hạ tầng hiện đại hóa quân đội Trung Quốc”, bức thư nêu rõ.

“Vấn đề không chỉ là một con chip. Quyết định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quốc gia nào kiểm soát công nghệ quyền lực nhất hành tinh”, ông James Mulvenon – chuyên gia về quân sự Trung Quốc – nhấn mạnh.

Việc chính quyền Trump thả lỏng kiểm soát xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc khiến nhiều quan chức Mỹ phật ý (Ảnh: Financial Times)

Nvidia: Cấm xuất khẩu là từ bỏ tham vọng bành trướng công nghệ của Mỹ

Trái ngược với làn sóng chỉ trích, Nvidia cho rằng nếu ngăn chặn xuất khẩu, các công ty Trung Quốc sẽ càng đẩy mạnh phát triển chip nội địa và giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Hãng khẳng định, quan điểm phản đối là “thiển cận” và mâu thuẫn với chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ AI mà Tổng thống Trump đang theo đuổi.

Trước đó, hôm 23/7, ông Trump đã công bố Kế hoạch quốc gia về trí tuệ nhân tạo với mục tiêu mở rộng xuất khẩu công nghệ AI sang các đồng minh, nhằm duy trì ưu thế chiến lược trước Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Đáp lại những chỉ trích, Nvidia nhấn mạnh chip H20 “không phục vụ mục đích quân sự mà nhằm thu hút cộng đồng phát triển toàn cầu”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn không đồng thuận.

Ông Jimmy Goodrich – cố vấn cấp cao tại RAND – cho rằng hiệu suất và băng thông của H20 vượt xa mọi dòng chip nội địa của Trung Quốc, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nước này phát triển AI ở quy mô lớn.

Mối lo chính trị

Bên cạnh các lo ngại về kỹ thuật, một số quan chức an ninh Mỹ còn cho rằng việc chính quyền Trump trì hoãn các biện pháp mạnh với Trung Quốc có thể xuất phát từ toan tính chính trị.

“Một công cụ an ninh quốc gia thiết yếu đang bị ‘đóng băng’, và chúng ta gần như đang dâng tặng chip H20 cho Trung Quốc mà không thu lại được gì,” một cựu quan chức nói với Financial Times.

Ông Steve Bannon – cựu chiến lược gia Nhà Trắng – không giấu nổi sự giận dữ: “Các công ty Mỹ đã bị Trung Quốc lừa lấy đi ‘vương miện công nghệ’ trong hàng chục năm. Giờ đây, chúng ta sắp tái diễn sai lầm ấy, chỉ vì lợi ích của vài tập đoàn lớn.”

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ từng lên kế hoạch đưa hàng loạt công ty con của các hãng chip Trung Quốc vào danh sách đen. Tuy nhiên, các lệnh cấm vẫn chưa được công bố chính thức. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Liệu chính quyền Trump có thực sự sẵn sàng cứng rắn với Trung Quốc hay sẽ tiếp tục “án binh bất động” để duy trì không khí đàm phán?

Trong cuộc gặp sắp tới tại Thụy Điển, Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gia hạn thời gian áp thuế thêm 90 ngày và tránh đưa ra bất kỳ động thái nào làm leo thang căng thẳng. Trong tương lai gần, kịch bản Washington tiếp tục nới lỏng kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Bắc Kinh đang trở nên hiện thực hơn bao giờ hết.

Nguồn tham khảo: Financial Times

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên