Bất chấp nhiều năm đối mặt với các rào cản thương mại từ Mỹ, Huawei đã vươn mình trở thành “tắc kè hoa” trong ngành AI, làm chủ hàng loạt mặt trận công nghệ từ viễn thông, xe thông minh đến trí tuệ nhân tạo.
Không chỉ đại diện cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với “gã khổng lồ” chip Nvidia, Huawei còn tiên phong trong việc thương mại hóa các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp.
Theo ông Paul Triolo – chuyên gia tại DGA-Albright Stonebridge Group, những sức ép kéo dài từ bên ngoài đã buộc Huawei phải chuyển hướng và mở rộng trọng tâm kinh doanh.
Hành trình này đã đưa Huawei từ một doanh nghiệp viễn thông truyền thống bước chân vào hàng loạt lĩnh vực công nghệ cao như xe thông minh, hệ điều hành, trung tâm dữ liệu, bán dẫn tiên tiến và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
“Không có công ty công nghệ nào có thể xử lý tốt đồng thời nhiều mảng phức tạp với rào cản lớn như vậy”, ông Triolo nhận định.

Bất chấp hạn chế từ Mỹ, Huawei vẫn dẫn đầu hàng loạt lĩnh vực công nghệ và trở thành đối thủ hàng đầu của Nvidia (Ảnh: CNBC)
Huawei hiện được xem là một trong những cái tên nổi bật nhất trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc.
Mới đây, CEO Nvidia Jensen Huang còn gọi Huawei là “một trong những công ty công nghệ đáng gờm nhất thế giới” và cảnh báo hãng có thể thay thế Nvidia tại Trung Quốc nếu Mỹ tiếp tục siết chặt hạn chế xuất khẩu chip.
Từ công ty bị “phong sát” đến biểu tượng công nghệ quốc gia
Huawei khởi đầu vào năm 1987 tại Thâm Quyến với hoạt động bán tổng đài điện thoại. Hãng sau đó vươn ra quốc tế qua các thị trường mới nổi như châu Phi, Trung Đông, Nga, Mỹ Latinh, và cuối cùng là châu Âu.
Đến năm 2019, Huawei đã dẫn đầu mảng 5G, trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, đồng thời tự thiết kế chip thông qua công ty con HiSilicon.
Tuy nhiên, chính đà tăng trưởng thần tốc đã khiến Huawei rơi vào tầm ngắm chính phủ Mỹ, với các cáo buộc liên quan đến rủi ro an ninh quốc gia – điều mà Huawei luôn bác bỏ.
Năm 2019, Washington đưa Huawei vào “danh sách đen” và cấm các công ty Mỹ, trong đó có TSMC, cung cấp linh kiện cho hãng. Mảng tiêu dùng – từng là nguồn thu lớn nhất của Huawei – sụt giảm mạnh, từ 63 tỷ USD (2020) xuống còn 34 tỷ USD (2021).
Dù vậy, lệnh cấm vô tình trở thành cú hích giúp Huawei xích lại gần hơn với chính phủ Trung Quốc. Theo ông Triolo, đây chính là “chất xúc tác” để Huawei trở thành nhân tố trung tâm trong chiến lược AI quốc gia, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhà nước.
Trở lại đường đua AI
Dù gặp nhiều khó khăn, Huawei vẫn kiên trì đầu tư vào AI. Hãng ra mắt chip xử lý AI Ascend 910 từ năm 2019, rồi tiếp tục phát triển các thế hệ tiếp theo như Ascend 910B và 910C – dòng chip được đánh giá có thể cạnh tranh với GPU cao cấp của Nvidia.
Huawei cũng hợp tác với SMIC – nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc – để sản xuất chip 5G và AI, dù cả hai đều đang bị Mỹ trừng phạt.

Việc Huawei phát triển chip 5G mà không cần đến TSMC gây sốc cho giới công nghệ toàn cầu (Ảnh: Financial Times)
Tháng 4/2025, Huawei ra mắt hệ thống “CloudMatrix 384” – cụm dữ liệu kết nối 384 chip Ascend 910C, được đánh giá có hiệu năng vượt một số tiêu chí của hệ thống GB200 NVL72 từ Nvidia.
Song song đó, hãng phát triển nền tảng phần mềm CANN, được kỳ vọng sẽ thay thế CUDA - vốn là công cụ giúp Nvidia duy trì vị thế độc tôn trong ngành AI.
Dù hệ sinh thái phần mềm của Huawei chưa hoàn toàn tương thích với các công cụ lập trình phổ biến, giới chuyên gia nhận định hãng đang “định nghĩa lại cách AI vận hành” và dần tạo dựng được chỗ đứng riêng.
Tham vọng xây dựng "đế chế Ascend"
Huawei đang từng bước kiến tạo một hệ sinh thái AI toàn diện xoay quanh chip Ascend, gồm: phần cứng (Ascend), hạ tầng tính toán (CloudMatrix & trung tâm dữ liệu), mô hình AI (Pangu) và ứng dụng thực tiễn.
Các trung tâm dữ liệu do hãng vận hành cung cấp sức mạnh tính toán để huấn luyện các mô hình AI Pangu. Khác với các mô hình tổng quát như GPT-4 hay Gemini Ultra, Pangu tập trung cho các lĩnh vực cụ thể như y tế, tài chính, công nghiệp, ô tô và chính phủ.
Hồi tháng 5, Huawei đã triển khai hơn 100 xe tải điện tự lái, ứng dụng kết hợp giữa AI, mạng 5G và điện toán đám mây. Theo Huawei, công nghệ này có thể dễ dàng nhân rộng tại các thị trường mới nổi ở Trung Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Nam Á.
Để mở rộng ra toàn cầu, Huawei đã quyết định mở mã nguồn các mô hình Pangu như một phần trong chiến lược “hệ sinh thái Ascend”.
“Trong 5 - 10 năm tới, Huawei hoàn toàn có thể giành lại hào quang từng có trong mảng viễn thông”, ông Patrick Moorhead – chuyên gia tại Moor Insights & Strategy – nhận định./.
Nguồn tham khảo: CNBC