Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Chiến tranh thương mại 2.0

18:31 03/02/2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khởi động một cuộc đối đầu thương mại mới bằng quyết định áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời áp thuế 10% đối với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khởi động một cuộc đối đầu thương mại mới bằng quyết định áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời áp thuế 10% đối với Trung Quốc.

Động thái này gây chấn động thị trường tài chính và đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu lên một cấp độ mới. Dù từng cảnh báo từ trước, việc thực thi chính sách này vẫn khiến nhiều nước bất ngờ và nhanh chóng đưa ra phản ứng mạnh mẽ.

Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế mới, Canada lập tức tuyên bố áp thuế trả đũa với cùng mức 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các mặt hàng bị ảnh hưởng bao gồm bia, rượu bourbon, nước cam, quần áo, đồ nội thất và gỗ. Chính phủ Canada khuyến khích người dân chuyển sang tiêu dùng hàng nội địa, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm Mỹ.

Chính phủ Mexico lên tiếng phản đối, khẳng định nước này không tìm kiếm xung đột nhưng buộc phải bảo vệ lợi ích quốc gia. Các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như bắp, thịt bò và trái cây nằm trong danh sách bị áp thuế, tạo ra áp lực lớn đối với ngành xuất khẩu thực phẩm của Mỹ.

Phía Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ cứng rắn. Bộ Thương mại nước này tuyên bố sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời nhấn mạnh Washington đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại quốc tế. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng các biện pháp khác ngoài thuế quan, bao gồm kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và giảm giá đồng Nhân dân tệ để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới lao dốc mạnh sau thông tin về thuế quan mới. Chỉ số Nasdaq 100 giảm hơn 2%, trong khi đồng peso Mexico và đô la Canada rơi xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Giá dầu tăng hơn 3% do Mỹ áp thuế 10% lên dầu nhập khẩu từ Canada, khiến giá nhiên liệu trong nước đối mặt nguy cơ leo thang.

Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của chính sách này. Ngành công nghiệp ô tô, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Mexico và Canada, có thể chứng kiến chi phí sản xuất tăng cao. Dự báo giá ô tô tại Mỹ có thể tăng trung bình 3.000 USD do tác động của thuế quan.

Các hàng rào thuế quan không phải là điều mới trong thương mại quốc tế. Vào thế kỷ 17 và 18, các nước châu Âu thường áp thuế cao để bảo vệ nền kinh tế nội địa. Chiến tranh Anh - Hà Lan thế kỷ 17 bùng nổ khi Anh thông qua các đạo luật hạn chế tàu Hà Lan vận chuyển hàng hóa. Đầu thế kỷ 19, hệ thống Lục địa của Napoleon cấm vận thương mại với Anh, làm chao đảo nền kinh tế châu Âu.

Trong thời hiện đại, cuộc chiến thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 của Mỹ nhằm bảo hộ nền kinh tế trong cuộc Đại khủng hoảng lại gây tác dụng ngược, khiến thương mại toàn cầu suy giảm mạnh. Những cuộc đối đầu thương mại này đều gây ra tác động tiêu cực cho các bên liên quan, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và tạo ra vòng xoáy trả đũa liên tục.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc áp thuế cao có thể làm tăng giá tiêu dùng tại Mỹ, đẩy lạm phát lên cao và buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì chính sách lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp Mỹ đối mặt với nguy cơ mất thị phần xuất khẩu khi các đối tác thương mại lớn tìm kiếm nguồn cung thay thế. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng quan hệ thương mại với các nước khác, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Tương lai của chiến tranh thương mại 2.0 vẫn chưa thể đoán định. Nếu không có các cuộc đàm phán thực chất, xung đột thương mại này có thể kéo dài và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu. Việc áp thuế có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho một số ngành công nghiệp Mỹ, nhưng về lâu dài, nó có thể tạo ra nhiều hệ quả khó lường hơn cả những gì Washington mong đợi./.