Người theo dõi

Cách Bernard Arnault gây dựng "ngôi đền" hàng hiệu LVMH (Kỳ 2): Từ các cuộc "đi săn" đến "cú đấm" bất động sản

Thứ Hai, 8/7/2024, 6:49 (GMT+7) 3 phút đọc
Sẵn tiền, ông chủ LVMH thâu tóm nhiều bất động sản đắc địa, rồ để cho các thương hiệu "nhà" những cửa hàng đẹp nhất. Các thương hiệu khác, hoặc thuê lại với giá cao, hoặc phải rời đi. Khi các bất động sản này tăng giá, Bernard Arnault lại càng thêm giàu.

Nối tiếp kỳ 1 - Cách Bernard Arnault gây dựng "ngôi đền" hàng hiệu LVMH: "Mỗi sáng tôi đều vui vẻ khi đến nơi làm việc", ban quản trị DFF.VN xin giới thiệu bản lược dịch (kỳ 2) bài viết dầy công về ông chủ LVMH được đăng tải trên Bloomberg mới đây.

Ông chủ LVMH Bernard Anault - Ảnh: Quartr
"Đế chế" LVMH của Bernard Arnault - Ảnh: Quartr

Ông chủ LVMH Bernard Arnault được giáo dục để trở thành một nghệ sĩ piano nhưng quyết định rằng mình không đủ giỏi để theo đuổi con đường nghệ thuật. Ông lấy bằng kỹ sư tại École Polytechnique, rồi tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình và thuyết phục cha tập trung vào bất động sản.

Ban đầu, công ty gia đình của Bernard Arnault tập trung phát triển khu nghỉ dưỡng ở miền Nam nước Pháp và chung cư ở Florida. Vị tỷ phú cho biết một cuộc nói chuyện tình cờ ở Mỹ đã khơi dậy sự quan tâm của ông về ngành công nghiệp thời trang xa xỉ của Pháp.

Năm 1984, ông Bernard Arnault – với sự hậu thuẫn của ngân hàng đầu tư Lazard Frères – đã thành công mua lại công ty mẹ của Dior, khi ấy đang trên bờ vực phá sản. Sau đó, ông ngay lập tức bắt tay vào tái cơ cấu, chỉ giữ lại Dior, cùng cửa hàng bách hóa Left Bank Le Bon Marché. Chứng kiến việc Bernard mạnh tay sa thải hàng nghìn công nhân, truyền thông Pháp khi ấy đặt cho ông biệt danh là “kẻ hủy diệt”.

Nhưng Bernard Arnault đã đúng. Từ 3 cửa hàng – với doanh thu 90 triệu EUR tại thời điểm đó - đến nay, Dior đã mở rộng quy mô lên 439 cửa hàng, với doanh thu khoảng 9,5 tỷ EUR vào năm ngoái.

Ông cũng là “tác giả” của màn soán ngôi Henry Racamier – cựu Chủ tịch Louis Vuitton – để giành quyền kiểm soát LVMH. “Cuộc chiến vương quyền” căng thẳng và kéo dài tại LVMH gây chấn động ngành công nghiệp thời trang xa xỉ, bởi họ chưa từng chứng kiến cuộc “đổi ngôi” nào khốc liệt đến vậy.

LVMH.png

Nền tảng tài chính của Dior và sau này là LVMH giúp Bernard Arnault thực hiện hàng loạt “deal” M&A thâu tóm các thương hiệu xa xỉ khác.

Chẳng hạn, ông đã mua thương hiệu nước hoa và mỹ phẩm Pháp Guerlain vào năm 1994, nhà sản xuất thời trang may sẵn và đồ da Celine vào năm 1996 và nhà bán lẻ mỹ phẩm Sephora vào năm 1997. Gucci và Hermès cũng được đưa vào tầm ngắm. 

Thương vụ đình đám gần nhất là việc LVMH thâu tóm Tiffany & Co – thương hiệu thời trang được thành lập từ năm 1937, có nhiều dấu ấn trong lịch sử nước Mỹ.

Ông chủ LVMH có niềm tin to lớn vào sức hấp dẫn của hàng hiệu. Mà giới tinh hoa toàn cầu thì ngày càng giàu lên. Theo số liệu cập nhật tới cuối năm 2023 của UBS, toàn thế giới có 2.500 tỷ phú USD, trong khi vòa năm 1995 chỉ có 420 người. Đó là chưa kể sự “nở rộ” của giới triệu phú USD.

Một chiếc túi xách vải Louis Vuitton trị giá 1.500 USD có giá bán cao gấp 10 lần chi phí sản xuất. Thậm chí sau khi loại bỏ toàn bộ chi phí thuê cửa hàng và chi phí nhân sự, công ty vẫn giữ lại được khoản lợi nhuận kếch xù.

Nếu có thể kết hợp các thương hiệu xa xỉ, chúng sẽ củng cố lẫn nhau, Bernard lập luận. Bởi, theo ông, các thương hiệu mạnh sẽ hỗ trợ cho các thương hiệu yếu hơn và tạo không gian để thiết lập bản sắc và phát triển, trong khi toàn tập đoàn mẹ sẽ có các phòng ban hỗ trợ, thu hút và giữ chân các CEO tài năng.

Đó là "ý tưởng tôi nảy ra sau khi mua Dior", Bernard nói, đồng thời cho biết: "Một “đế chế” xa xỉ bao gồm nhiều công ty vừa và nhỏ, khi kết hợp lại, có thể mạnh hơn nhiều trong một tập đoàn gồm nhiều thương hiệu".

Nhanh nhạy trong kinh doanh, Bernard Arnault đã sớm đưa Louis Vuitton – một trong những thương hiệu xa xỉ của LVMH – đến Trung Quốc vào đầu những năm 1990 và hưởng lợi lớn từ sự phát triển kinh tế thần tốc của quốc gia này.

Theo ước tính của HSBC, sau Mỹ, Trung Quốc là quốc gia có doanh số bán hàng lớn thứ hai của LVMH trong năm 2023. Louis Vuitton đã mở 54 cửa hàng tại Trung Quốc, trong khi 23 thương hiệu khác thuộc LVMH đã mở tới 58 cửa hàng tính đến cuối năm ngoái.

LVMH2.png

"Cú bồi" bất động sản

LVMH giờ đã là một “đế chế” khổng lồ. Công ty này có khoảng 213.000 nhân viên vào cuối năm ngoái với vốn hóa thị trường đã vượt ngưỡng 368 tỷ EUR – cao gấp 7 lần Kering (chủ sở hữu Gucci, Yves Saint Laurent và các nhãn hiệu khác) và gấp 5 lần so với Richemont. Chỉ có Hermès International SCA, nhà sản xuất túi Birkin cực kỳ phổ biến của Pháp, mới có quy mô gần bằng LVMH.

Theo Bloomberg, ông Bernard Arnault đã khai thác “lợi thế” vượt trội nêu trên theo nhiều cách, trước hết là thông qua bất động sản.

L Catterton – công ty riêng của Bernard Arnault – đã tận dụng lãi suất thấp để thâu tóm loạt bất động sản trị giá hàng tỷ USD, bao gồm các địa điểm bán lẻ và tòa nhà văn phòng đắc địa ở hầu hết các thành phố lớn. Năm ngoái, LVMH cũng chi số tiền kỷ lục 2,45 tỷ EUR cho các vụ mua lại bất động sản.

Điều đáng nói, sau khi mua lại một tòa nhà, LVMH sẽ dành những cửa hàng có vị trí và mặt tiền tốt nhất cho các thương hiệu “nhà”, trong khi yêu cầu các đối thủ chuyển đi khi hợp đồng hết hạn. Họ hoặc là phục tùng những chủ sở hữu bất động sản đang tuyệt vọng muốn có một cửa hàng Dior hoặc Vuitton - hoặc phải thuê lại mặt bằng với giá cao hơn từ chính LVMH.

"Rất khó để bất kỳ đối thủ nào có thể theo kịp", Solca, nhà phân tích của Bernstein, cho biết. Thực tế, Kering và Prada cũng cố gắng cạnh tranh theo cách này nhưng việc chi ra số tiền lớn, ngược lại, đã gây tổn hại đến sức khỏe tài chính cho họ.

Ông chủ LVMH dường như còn có tham vọng lớn hơn trong lĩnh vực bất động sản. Tại Miami, L Catterton đã hợp tác với một nhà phát triển để biến một khu vực nhà kho bỏ trống và những lô đất đầy rác thành một khu mua sắm xa xỉ mới có tên là Design District. Bên cạnh đó, công ty này cũng đang cải tạo một khu công nghiệp nhẹ ở Montreal có tên là Royalmount.

Khi nào Bernard Arnault ngừng đi “săn”?

Trả lời Bloomberg, Bernard Arnault không giấu nổi sự hứng khởi khi được hỏi về dự định thâu tóm trong tương lai.

"Chúng tôi có ý tưởng cho tương lai, nhưng rõ ràng là tôi không thể nói cho bạn biết", ông trả lời. "Chúng tôi không cần phải làm vậy. Nhưng tôi biết một số thương hiệu sẽ rất phù hợp, và tôi biết rằng các chủ sở hữu sẽ rất vui vì điều đó”.

Bernard Arnault không đưa ra thêm manh mối nào nữa. Tuy vậy, nhiều nguồn tin biết rõ về chiến lược của LVMH cho biết “đế chế” của Bernard Arnault sẽ cân nhắc mua lại hàng loạt thương hiệu, kể như: Richemont, Armani, Prada, Patek Philippe, hay Audemars Piguet, nếu chúng được rao bán./.

*Cách Bernard Arnault gây dựng "ngôi đền" hàng hiệu LVMH (Kỳ 1): "Mỗi sáng tôi đều vui vẻ khi đến nơi làm việc"

Chia sẻ
Báo cáo
M
Lê Mạnh Minh Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên