Cá mập Phần Lan "cược lớn" với cổ phiếu STB, nêu lý do rót vốn vào Vietcap
11:19 08/11/2024
Tại cuối tháng 10/2024, Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là mã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của PYN Elite Fund, ở mức 20%.
Trong tháng 10, PYN Elite Fund ghi nhận hiệu suất ở mức âm 1,71% - đánh dấu lần đầu tiên có hiệu suất âm kể từ tháng 5 năm nay. Dù vậy, lũy kế 10 tháng đầu năm, quỹ ngoại này vẫn ghi nhận hiệu suất đầu tư khá ấn tượng, ở mức 18,54%.
Lý giải nguyên nhân của việc hiệu suất đầu tư trong tháng 10 ghi nhận ở mức âm, PYN Elite Fund cho rằng do tâm lý thị trường suy yếu khi USD mạnh lên dẫn đến VND bị mất giá 2,8%.
Chính yếu tố trên đã khiến chỉ số VN-Index giảm 1,8% trong tháng. Tuy nhiên, hiệu suất của quỹ ngoại này khả quan hơn đôi chút so với thị trường chung, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự vượt trội của của các mã cổ phiếu như ACV (+13,7%) và HVN (+10,5%) hay STB (+5,5%).
Trong đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín là mã chiếm tỷ trọng cao nhất - ở mức 20% - trong danh mục đầu tư của quỹ ngoại này.
Danh mục 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ vào cuối tháng 10 lần đầu xuất hiện cổ phiếu VCI của CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap).
"Vietcap là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, hiện đang xếp hạng 4 về thị phần môi giới (6,8% trong quý 3/2024). Vietcap duy trì vị trí số 1 trong lĩnh vực môi giới tổ chức với thị phần khoảng 30%, được hỗ trợ bởi năng lực vượt trội trong Ngân hàng đầu tư và nghiên cứu", PYN Elite Fund đánh giá.
Quỹ ngoại đến từ Phần Lan cho rằng, Vietcap sẽ được hưởng lợi nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào quý 3/2025, đặc biệt là sau khi Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ 100% trước khi giao dịch (Non Pre-funding) có hiệu lực từ đầu tháng 11. Điểm mạnh của Vietcap còn nằm ở giao dịch độc quyền, với danh mục đầu tư đã niêm yết và chưa niêm yết mang lại hiệu suất vượt trội.
PYN Elite Fund cũng là nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn nhất với 21,5 triệu cp (tỷ lệ 2,99% vốn) trong đợt phát hành riêng lẻ 144 triệu cổ phiếu hồi tháng 9 của Vietcap.
Về các dữ liệu vĩ mô, quỹ ngoại nhận định, mặc dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi vào tháng 9, Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng GDP quý 3 ở mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa tất cả dự báo đồng thuận. Động lực tăng trưởng chính là Công nghiệp & xây dựng (+9,1% so với cùng kỳ năm trước), dẫn đầu là Sản xuất (+11,4% so với cùng kỳ năm trước).
Ngành dịch vụ tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi ngành Nông nghiệp tăng trưởng nhẹ hơn ở mức 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu quý 3 lần lượt mạnh mẽ ở mức 15,8% và 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát giảm xuống còn 2,6% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 9 từ mức 3-4% trong tháng 8 tháng đầu năm. FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 8,9% so với cùng kỳ, đạt kỷ lục mới là 17,3 tỷ USD./.