CTCP Tập đoàn Vingroup (Vingroup - Mã CK: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ (đã soát xét) kết thúc ngày 30/6/2024, trong đó ghi nhận khoản tài trợ 3.277,3 tỷ đồng của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho “công ty con” của tập đoàn. Công ty ấy được cho là VinFast.
“Tính đến cuối quý 2/2024, Chủ tịch và VIC đã hoàn thành các khoản giải ngân tài trợ cho VinFast trong khuôn khổ thỏa thuận đã thông báo vào tháng 4/2023 (thỏa thuận này bao gồm khoản tài trợ 1 tỷ USD của Chủ tịch và khoản tài trợ 500 triệu USD của VIC sẽ được giải ngân cho VinFast trong 12 tháng)”, CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap – Mã CK: VIC) nêu trong một báo cáo phát hành hồi cuối tháng 7.
Quyết dồn lực cho VinFast đến “khô máu”, số tiền mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng đổ vào hãng xe điện này dự kiến sẽ còn tăng thêm.
Còn nhớ, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM) hồi tháng 4/2024 của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng cho biết sẽ tiếp tục thu xếp tài sản để tài trợ cho VinFast tối thiểu thêm 1 tỷ USD nữa.
Chưa rõ tỷ phú Vượng sẽ thu xếp tài sản ra sao nhưng trong nửa đầu năm 2024, Vingroup còn ghi nhận một giao dịch đáng chú ý khác với Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng, trị giá 1.820 tỷ đồng, với thuyết minh: “Chuyển nhượng cổ phần trong Công ty con”.
“Bệ đỡ” công nghệ của VinFast
Được xem là biểu tượng cho sự trỗi dậy trong mảng công nghiệp của Vingroup, VinFast nhận được nguồn lực khổng lồ từ tập đoàn mẹ.
Tại một báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) hồi giữa năm 2023, Black Spade – công ty séc trắng (SPAC) làm “cầu nối” để VinFast lên sàn Nasdaq – cho biết Vingroup, các công ty thành viên và đối tác bên ngoài đã rót 8,2 tỷ USD vào VinFast trong đoạn từ năm 2017 – 2022.
Liên tiếp cho ra mắt các mẫu xe điện mới, số tiền đổ vào VinFast từ nhóm Vingroup hẳn đã vượt xa con số vừa nêu.
Việc có công ty mẹ là Vingroup – một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam – cũng tạo "lợi thế" khác cho VinFast. Tại báo cáo gần nhất – phát hành hôm 26/8, CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect – Mã CK: VND) cho hay, với lợi thế có công ty mẹ là Vingroup, VinFast có thể tiếp cận các đối tác là nhà sản xuất linh kiện nội thất và ngoại thất xe hàng đầu.
Theo đó, VinFast hợp tác với một số đối tác để phát triển và nâng cao công nghệ ADAS (hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến), chẳng hạn như sử dụng chip NVIDIA DRIVE Xavier. Tất cả các ô tô điện VinFast hiện đều được trang bị ADAS cấp độ 2.
Về sản xuất xe điện và pin, tại tổ hợp sản xuất xe tại Hải Phòng, VinFast sở hữu một nhà máy sản xuất cell trụ (cylindrical) và một nhà máy sản xuất pack pin công suất 70.000 pack/năm.
VinFast cũng có một nhà máy với công suất 100.000 pack/năm đang hoạt động và một cơ sở sản xuất cell pin LFP (Gotion High-Tech của Trung Quốc sở hữu 51%) công suất 5GWh/năm (giai đoạn 1) dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất từ Q3/24 tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Ngoài ra, danh sách các đối tác của VinFast còn có CATL, Marubeni, Forvia, T-Mobile,…
Vingroup gia nhập ngành ô tô từ năm 2017 với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, khởi đầu bằng xe động cơ đốt trong (ICE), với hai mẫu xe gây ấn tượng mạnh khi ra mắt là Lux A2.0 và LUX SA2.0.
Đến cuối năm 2022, VinFast đã ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong và chỉ tập trung vào xe điện. Tới tháng 8/2023, VinFast Auto Ltd niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) với mã chứng khoán VFS sau giao dịch SPAC với Black Space Capital.
VinFast hiện sở hữu một nhà máy tại Hải Phòng với công suất 300.000 chiếc/năm. Công ty đang xây dựng hai nhà máy CKD, mỗi nhà máy có công suất 50.000 chiếc/năm, tại Tamil Nadu (Ấn Độ) và Indonesia.
Tính đến cuối tháng 6/2024, mạng lưới phân phối của VinFast gồm 130 showroom (bao gồm các showroom của công ty và của đại lý). Việt Nam vẫn là "sân nhà" vững chắc của VinFast, với số lượng showroom áp đảo, chưa kể sự bành trướng của hãng taxi Xanh SM./.