Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Bất cứ đâu trừ Mỹ - xu hướng đầu tư mới định hình dòng vốn toàn cầu

18:18 05/06/2025

Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, chính sách thương mại thay đổi liên tục và lo ngại về tài khóa Mỹ ngày càng gia tăng, nhiều nhà đầu tư toàn cầu đang rời bỏ tài sản Mỹ, chuyển sang một chiến lược mới mang tên ABUSA – "Anywhere But the USA", tạm dịch là "Bất cứ đâu trừ Mỹ".

Mất niềm tin vào Mỹ

Theo giới phân tích, ABUSA đang trở thành xu hướng đầu tư nổi bật nhất hiện nay, khi các dòng vốn bắt đầu chuyển dịch sang các thị trường ngoài nước Mỹ, vốn được đánh giá có nền tảng vĩ mô ổn định và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

“Chiến lược ‘Anywhere But the USA’ là sự tái cân bằng cần thiết, phản ánh xu hướng tăng trưởng đa cực và phục hồi chu kỳ toàn cầu”, ông Alan Siow – lãnh đạo công ty đầu tư Ninety One – nhận định.

Trong hơn một thập kỷ qua, các tài sản Mỹ luôn được ưa chuộng nhờ vị thế áp đảo của đồng USD và thị trường tài chính lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự hấp dẫn này đang phai nhạt khi chỉ số USD đã giảm hơn 8% từ đầu năm, hướng đến tháng giảm thứ 5 liên tiếp.

“Vị thế thống trị của Mỹ đang bị xói mòn bởi mất cân đối tài khóa và sự bất ổn trong hoạch định chính sách”, ông Siow nói, đồng thời khuyến nghị giới đầu tư nên đa dạng hóa toàn cầu, thay vì tiếp tục dồn quá nhiều niềm tin vào thị trường Mỹ như trước.

Sự khó đoán của ông Trump đang tạo nên làn sóng ‘di cư’ của các nhà đầu tư khỏi thị trường Mỹ (Ảnh: CNBC)

Trước ABUSA, giới đầu tư từng theo đuổi chiến lược TACO – viết tắt của “Trump Always Chickens Out” (Trump luôn thay đổi vào phút chót). Chiến lược này đặt cược rằng Tổng thống Donald Trump sẽ lùi bước hoặc mềm mỏng hơn trong các tuyên bố áp thuế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư quay lại thị trường Mỹ khi tình hình hạ nhiệt.

Tuy nhiên, theo ông Rami Cassis, nhà sáng lập quỹ đầu tư Parabellum Investments (London), sự thay đổi dòng tiền hiện nay không đơn thuần đến từ các yếu tố tài chính, mà còn mang tính cảm xúc và chính trị sâu sắc.

“Tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như thuế, chiến tranh, quyền LGBT, hay các quan điểm gây tranh cãi khác. Không ai muốn rót vốn vào nơi mà chính sách có thể thay đổi chỉ sau một đêm”, ông Cassis nhận định.

Thực tế, nhiều người tiêu dùng quốc tế đã tẩy chay hàng Mỹ, trong khi khách du lịch đến Mỹ cũng sụt giảm. Theo ông David Rosenstrock, CEO Wharton Wealth Planning (New York), ngày càng nhiều khách hàng yêu cầu phân bổ lại tài sản ra ngoài Mỹ, chủ yếu vì lo ngại biến động lãi suất, thị trường kém hiệu quả và hiệu suất đầu tư thấp hơn các khu vực khác.

Cơ hội đầu tư: Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ lên ngôi

Trong khi Mỹ mất điểm, nhiều thị trường khác lại nổi lên như điểm đến đầu tư đáng chú ý. Theo ông Rosenstrock, khách hàng của ông đang cân nhắc chuyển vốn sang châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ, những nơi có nền tảng vĩ mô ổn định, định giá hợp lý và ít bị nhà đầu tư toàn cầu “định giá đầy đủ” trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nếu đồng USD tiếp tục suy yếu, cổ phiếu Mỹ có thể trở nên hấp dẫn trở lại đối với nhà đầu tư nước ngoài nhờ hiệu ứng tỷ giá.

Hiện tại, châu Âu đang chứng kiến làn sóng vốn ngoại quay lại sau nhiều năm bị lãng quên. Chứng khoán châu Âu đã tăng 7,7% từ đầu năm, đồng euro tăng hơn 10% so với USD, trong khi lĩnh vực quốc phòng tăng gần 50%, hưởng lợi từ gói chi tiêu an ninh trị giá 800 tỷ euro của Liên minh châu Âu.

Ngoài châu Âu, Ấn Độ cũng nổi lên như một "ngôi sao mới" nhờ các chính sách thân thiện với dòng vốn ngoại và tăng trưởng GDP ấn tượng 7,4% trong quý I/2025. Giới đầu tư kỳ vọng quốc gia Nam Á này sẽ trở thành đầu tàu tăng trưởng mới trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với áp lực cấu trúc và sự giám sát khắt khe từ phương Tây./.

Nguồn tham khảo: CNBC