Áp lực trả nợ ‘ghìm chân’ cổ phiếu NVL đến khi nào?
11:17 24/10/2024
Dù cho Novaland có được trái chủ lô trái phiếu NVLH2123010 chấp thuận giải chấp tài sản đảm bảo ở MBBank, chưa chắc nó đã đủ để tạo bước ngoặt cho cổ phiếu NVL.
Lô trái phiếu mã NVLH2123010 có tổng mệnh giá phát hành 1.000 tỷ đồng nhưng đã được CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland - Mã CK: NVL) mua lại một phần. Hiện, số trái phiếu loại này còn đang lưu hành có tổng mệnh giá 864 tỷ đồng.
Con số vừa nêu còn rất khiêm tốn so với khối nợ khổng lồ - chủ yếu là trái phiếu - lên tới cả tỷ USD mà Novaland đang nỗ lực tái cấu trúc.
Thứ nữa, các trái chủ của lô trái phiếu NVLH2123010 cũng đang hối thúc Novaland bổ sung thêm tài sản đảm bảo trong bối cảnh giá cổ phiếu NVL đang trượt về sát mệnh giá (10.000 đồng/cp).
Cụ thể, tại nghị quyết đề ngày 10/10/2024, những người sở hữu trái phiếu NVLH2123010 đã từ chối đề xuất của Novaland về việc không phải thế chấp bổ sung các tài sản đảm bảo là 47 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu đô thị Cù lao Phước Hưng - phân khu 3. Đây là những lô đất và nhà ở có diện tích vài chục đến hàng nghìn m2 thuộc dự án Aqua City (Đồng Nai).
Lý do được các trái chủ đưa ra là giá trị cổ phiếu NVL “đang tiếp tục suy giảm ảnh hưởng đến giá trị Tài Sản Bảo Đảm của trái phiếu”. Họ đề nghị Novaland hoàn tất thủ tục ký hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm “ngay khi đủ điều kiện”.
>Hồi tháng 6, Novaland từng bổ sung bên bảo đảm và tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này. Bên bảo đảm bổ sung là Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức, với giá trị bảo đảm tối đa cho nghĩa vụ trái phiếu Novaland không vượt quá 300 tỷ đồng.
Việc rút, giải chấp bớt tài sản đảm bảo bổ sung sẽ được thực hiện theo quy định tại hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo giữa Novaland, MBBank, MBS, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên, CTCP Nova Princess Residence.
MBBank, trong ít năm trở lại, nổi lên là chủ nợ lớn nhất của Novaland. Cho đến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024) tổ chức vào tháng 4, CEO MBBank Phạm Như Ánh vẫn bày tỏ sự lạc quan, cho rằng các khoản vay tại Novaland là “không đáng lo”.
Trong tổng số 20 trang thuyết minh về khối nợ khổng lồ trên báo cáo kiểm toán bán niên năm 2024, Novaland dành tới 11 trang để ‘thông tin’ về khối nợ trái phiếu.
Cũng tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH PwC (Việt Nam) - còn nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Novaland do khoản lỗ 7.327,3 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 4.126,7 tỷ đồng.
Áp lực trả nợ đè nặng lên vai giới chủ Novaland khiến họ liên tục phải bán ra cổ phiếu. Nhưng đã vay thì phải trả. Đó là lẽ thường tình.
>Trên thị trường chứng khoán, sau cú rơi thẳng đứng nửa cuối năm 2022, cổ phiếu NVL có lúc ‘bật dậy’ nhưng không đáng kể và tiếp tục trượt về sát mệnh giá. Cổ phiếu NVL cũng đang nằm trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) trên sàn HoSE.
Gần đây, giá cổ phiếu NVL còn chịu ảnh hưởng bởi thông tin bà Trương Mỹ Lan đòi Novaland 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt để khắc phục hậu quả của vụ án liên quan đến dự án khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (Suntec City). Phản hồi sự việc này, Novaland tuyên bố đề nghị của bà Lan "hoàn toàn không có căn cứ".
Cũng phải lưu ý rằng, thị trường bất động sản có ấm lại nhưng những tín hiệu tích cực nhất, đến mức sốt nóng, lại diễn ra ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội - thay vì khu vực phía Nam, nơi 144.000 tỷ đồng tài sản của Novaland đang nằm chờ trong ‘hàng tồn kho’./.