AGM 2025 MSB: Chốt mục tiêu lãi 8.000 tỷ đồng, riêng quý 1 lãi 1.600 tỷ đồng, trụ sở mới đẹp nhất làng bank!
07:35 21/04/2025
Sáng nay (21/4), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã CK: MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).
Sáng nay (21/4), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã CK: MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).
Tính đến 9h03, AGM 2025 của MSB có sự tham dự của 201 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 2,059 tỷ cổ phần, chiếm 79,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội thống nhất bầu Đoàn chủ tọa gồm 3 thành viên là ông Trần Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT - Chủ tọa), ông Nguyễn Hoàng Linh (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) và ông Nguyễn Hoàng An (Phó Chủ tịch HĐQT).
Đoàn chủ tọa điều hành AGM 2025 của MSB
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng giám đốc MSB – nhấn mạnh dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn và biến động khó đoán, song với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và sự đồng lòng của Ban điều hành cũng như HĐQT, MSB đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Cụ thể, tổng tài sản của MSB tính đến cuối năm 2024 đạt 320.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng riêng lẻ đạt 18,25%, cao hơn mức trung bình ngành là 15,08%. Vốn hóa ngân hàng tăng 16,5%, cao hơn mức tăng 12,1% của VN-Index. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,83%.
Về khách hàng, ông Linh cho biết tổng số lượng khách hàng của MSB đã tăng thêm 17%, từ 5,2 triệu lên 6,2 triệu khách hàng tại thời điểm 31/12/2024. Tỷ lệ CASA trên tổng huy động vốn là 26,12%, đứng thứ 3 toàn ngành, bao gồm cả các ngân hàng quốc doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc MSB
Bước sang năm 2025, ông Linh nhận định nền kinh tế còn nhiều biến động, nhất là trong tình hình mới với các chính sách thuế đối ứng, nhưng kinh tế Việt Nam đã có những bước khởi sắc.
Năm nay, MSB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 9% lên 350.000 tỷ đồng; vốn huy động thị trường 1 và trái phiếu đạt 202.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng mục tiêu là 212.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 8.000 tỷ đồng (tăng 16%); và vốn điều lệ sau khi chia cổ tức dự kiến đạt 31.200 tỷ đồng.
Phần thảo luận:
- Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của ngân hàng như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Linh – CEO: Tính đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt 314.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đạt 8,92%; dư nợ cho vay khách hàng đạt 192.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 160.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA tại cuối quý 1/2025 đạt 24%.
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 của MSB đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ ROA đạt 1,82%, tăng nhẹ so với mức 1,79% trong cùng kỳ năm ngoái. ROE quý 1/2025 là 15,54%, cao hơn so với mức 14,94% trong quý 1/2024. NIM bình quân đạt 3,5%. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi là 23%. Chỉ số an toàn vốn (CAR) đạt trên 12%.
- MSB đã tìm được công ty chứng khoán mục tiêu và có kế hoạch sáp nhập hay chưa?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: MSB có kế hoạch và đã tiếp cận một số công ty chứng khoán trên cơ sở hoàn thiện hệ sinh thái cho các hoạt động về chi phí và đặc biệt là phát triển cho khách hàng cá nhân.
Trong năm 2025, MSB sẽ xúc tiến việc mua công ty chứng khoán. Chúng tôi mong muốn tiếp cận các công ty chứng khoán có tài sản sạch, quy mô vốn điều lệ trung bình khoảng 300 – 500 tỷ đồng. Sau đó, MSB sẽ tham gia điều hành và có lộ trình tăng vốn phù hợp với qua trình phát triển cũng như hỗ trợ các sản phẩm về Wealth Management cho khách hàng cá nhân của ngân hàng.
- Ngân hàng có đối tác mua FCCOM chưa và giá bán kỳ vọng là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: MSB đã có 2-3 đối tác cho thương vụ này. NHNN quy định rất chặt chẽ về các đối tượng đủ điều kiện mua công ty tài chính tiêu dùng. Do đó, MSB đang sàng lọc và chắc chắn đối tác của MSB phải thỏa mãn điều kiện của NHNN.
- Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung như thế nào? Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng ra sao?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Tổng dư nợ của MSB hiện nay là 191.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho vay các ngành nghề như sản phẩm gỗ, cá tra, hàng dệt may, hóa chất, máy ảnh, máy quay, điện thoại, linh kiện, hạt điều và các sản phẩm tương tự khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 3.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay của MSB đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sản xuất sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 9,5% tổng dư nợ.
MSB đã rà soát lại toàn bộ khách hàng về năng lực hoạt động, khả năng tìm kiếm thị trường mới. Đến nay, MSB vẫn kiểm soát tốt khoản cho vay đối với các lĩnh vực này. Trong trường hợp xấu nhất, nếu rủi ro xảy ra thì các khoản cho vay trên cũng chỉ ảnh hưởng tới 2,34% nợ xấu (NPL) của MSB.
- Năm nay, MSB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao là 20%. Trong bối cảnh hiện nay, MSB sẽ tập trung tín dụng vào phân khúc nào?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: 20% là mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao so với trung bình ngành. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2024, MSB đã đạt được mức tăng trưởng 18,25%. Trong năm 2025, với đà thúc đẩy tăng trưởng của NHNN, MSB kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn trung bình ngành là 20%. Tôi cho rằng đây là con số rất khả thi.
Hết quý 1, MSB đã đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 9%. Có nghĩa là để đạt mục tiêu tăng trưởng 20% thì 3 quý còn lại ngân hàng chỉ cần thực hiện tăng trưởng 11%. Do đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% là hoàn toàn khả thi.
Theo định hướng của NHNN, trong năm 2025, MSB sẽ tập trung vào các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực xanh và ngành mũi nhọn thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT MSB
Phát biểu cuối phiên họp, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT MSB – cho biết khi trao đổi với cổ đông, ông nhận được tâm tư về việc trụ sở hiện tại của ngân hàng đã trở nên khá đông đúc và mong muốn có một không gian làm việc khang trang, hiện đại hơn.
Nhân dịp này, ông Tuấn thông báo tới toàn thể các cổ đông rằng kỳ đại hội cổ đông năm 2025 có thể là đại hội cuối cùng được tổ chức tại địa điểm hiện tại. Từ năm 2026, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm MSB sẽ được tổ chức tại trụ sở mới của ngân hàng.
"Hiện tại, các thủ tục pháp lý và công tác chuẩn bị cho trụ sở mới về cơ bản đã hoàn tất. Thiết kế chi tiết cũng đã được phê duyệt và chúng tôi đang chuẩn bị các bước để triển khai thi công hoàn thiện cuối cùng", ông Trần Anh Tuấn nói.
Chốt mục tiêu lãi 8.000 tỷ đồng, M&A một công ty chứng khoán, quản lý quỹ
AGM 2025 của MSB đã thông qua là việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để công ty này trở thành công ty con của ngân hàng.
Ban lãnh đạo MSB cho rằng, việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thể giúp ngân hàng mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói như môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán đến quản lý tài sản và đầu tư quỹ.
Bên cạnh đó, việc sở hữu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ sẽ giúp MSB tạo ra một mô hình tài chính toàn diện, tương tự như các ngân hàng lớn đã thành công với mô hình này như Vietcombank (VCBS), MB (MBS).
Ngoài nội dung trên, AGM 2025 của MSB thông qua việc bán vốn công ty tài chính – TNEX Finance (tiền thân là FCCOM). Lãnh đạo ngân hàng cho biết có thể tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn, cùng hợp tác đường dài hoặc chuyển nhượng 100% vốn để hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2024, TNEX Finance có tổng tài sản 3.807 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 358,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5 tỷ đồng.
Năm 2025, MSB đặt mục tiêu lãi trước thuế 8.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.
Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 212.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20%; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu đạt 202.000 tỷ đồng, tăng 15%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, MSB dự kiến phát hành 520 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng từ mức 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng.
Công ty này tiền thân là CTCP Chứng khoán Standard (SSJ), được thành lập từ tháng 6/2008.
Năm 2011, SSJ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với MSB và đổi tên thành CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS). Maritime Bank, nên biết, là thương hiệu cũ của MSB.
Đến tháng 10/2017, Tập đoàn tài chính KB (Hàn Quốc) - thông qua Công ty TNHH Chứng khoán KB Hàn Quốc - đã mua lại 99,4% cổ phần MSI từ một nhóm 14 cổ đông cá nhân và tổ chức.
Thương vụ này có giá trị 35 tỷ won, tương đương hơn 700 tỷ đồng. Hậu đổi chủ, MSI đổi tên thành CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)./.