Ban lãnh đạo MSB cho rằng, việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ sẽ giúp ngân hàng tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, từ đó xây dựng mô hình tài chính toàn diện như các ông lớn Vietcombank, MB.

Phương án góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ sẽ được ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã CK: MSB) trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025) xem xét thông qua, dự kiến diễn ra vào ngày 21/4.
Ban lãnh đạo MSB đánh giá, trong các năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển cả về chất và lượng, với nhiều yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là sóng nâng hạng thị trường. MSB xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai.
"Việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thể giúp MSB mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, giúp MSB tạo ra một mô hình tài chính toàn diện như các ngân hàng lớn Vietcombank, MB", ban lãnh đạo MSB nhận định.
Theo phương án đầu tư, MSB sẽ góp vốn/mua cổ phần hoặc mua lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của ngân hàng. Khi đó, MSB sẽ có lợi thế lớn trên thị trường vốn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán.
Trong quá khứ, giới chủ MSB từng sở hữu một công ty chứng khoán, đó là CTCP Chứng khoán Maritime (MSI).
Tiền thân của MSI là CTCP Chứng khoán Standard (SSJ), thành lập từ tháng 6/2008. Năm 2011, SSJ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với MSB và chính thức đổi tên thành CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS). Maritime Bank, nên biết, là thương hiệu cũ của MSB.
Đến tháng 10/2017, Tập đoàn tài chính KB (Hàn Quốc) - thông qua Công ty TNHH Chứng khoán KB Hàn Quốc - đã mua lại 99,4% cổ phần MSI từ một nhóm 14 cổ đông cá nhân và tổ chức. Thương vụ này có giá trị 35 tỷ won, tương đương hơn 700 tỷ đồng. Sau khi về tay chủ mới, MSI được đổi tên thành CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Ngân hàng nào đang có công ty chứng khoán?
Việc sở hữu công ty chứng khoán là một trong những bước đi chiến lược của nhiều ngân hàng. Đây cũng là xu hướng của các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn tại các thị trường phát triển nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng, đồng thời tối ưu giá trị mang lại cho ngân hàng, cổ đông.
Thống kê cho thấy, có khoảng 20 ngân hàng tại Việt Nam có sở hữu cổ phần hoặc chi phối trực tiếp một công ty chứng khoán.
Một số ngân hàng trực tiếp sở hữu cổ phần chi phối và có tên thương hiệu gắn liền tại công ty chứng khoán như: VPBank - VPBankS, ACB - ACBS, MB - MBS, Vietcombank - VCBS, Techcombank - TCBS, Agribank - Agriseco, VietinBank - VietinBank Securities, BIDV – BIDV Securities…
Nhóm khác là các công ty chứng khoán có cổ đông là ngân hàng hoặc người có liên quan tới ngân hàng. Chẳng hạn như CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) có cổ đông lớn là LPBank. CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có cổ đông lớn là TPBank. CTCP Chứng khoán HD (HDBS) có cổ đông lớn là HDBank. CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) có cổ đông lớn là Tập đoàn T&T – cổ đông có liên quan của SHB. CTCP Chứng khoán Kafi có cổ đông lớn là CTCP Uniben – cổ đông nắm 3,9% vốn VIB (tại ngày 19/2/2025).
Tài liệu AGM 2025 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – Mã CK: SSB) mới công bố cũng có tờ trình về việc mua cổ phần tại CTCP Chứng khoán Asean để công ty này trở thành công ty con của SeABank.
Ngoài ra, ban lãnh đạo MSB đề xuất phương án phát hành 520 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới. Nếu được thông qua và thực hiện thành công, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng./.