Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã CK: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025). Đây là nhà băng cuối cùng trong nhóm 27 ngân hàng thương mại niêm yết tổ chức đại hội năm nay.

Đoàn chủ tọa điều hành AGM 2025 của Eximbank
Tính đến 8h35, đại hội có sự tham dự 234 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 1,026 tỷ cổ phần, chiếm 55,08% tổng cổ phần có quyền biểu quyết.
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng giám đốc Eximbank - cho biết năm 2024, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước, hoàn thành 81% kế hoạch.
Dù không hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao phó, song, đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh môi trường kinh doanh gặp nhiều thách thức. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của Eximbank trong 35 năm qua.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng giám đốc Eximbank
Theo ông Hải, năm 2025, thị trường tài chính trong và ngoài nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi chỉ cần một lời phát biểu, một dòng twitter đến từ Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn trên thế giới đã có thể thay đổi hoàn toàn cục diện của các nền kinh tế, cũng như bối cảnh mà Eximbank đang phải cạnh tranh trên thị trường.
"Trong bối cảnh đó, ban điều hành Eximbank đặt mục tiêu là phát triển bền vững, đi nhanh nhưng không vội, tập trung vào các chỉ số an toàn để tạo nền tảng cho những năm tiếp theo", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Phần thảo luận:
- Cổ đông: Cơ cấu nhân sự và quản trị điều hành Eximbank chưa ổn định, sắp tới có thay đổi lớn nào nữa không?
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng giám đốc: Cơ cấu quản trị, điều hành của ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố – từ bối cảnh nội tại của Eximbank, thị trường bên ngoài, cho đến mong muốn, định hướng chung của các cổ đông.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, khi kết thúc nhiệm kỳ VII và bước sang nhiệm kỳ VIII, ngân hàng sẽ có những bước đi vững chắc hơn. Đồng thời, sự xuất hiện của các đối tác chiến lược, cổ đông lớn đồng hành có tiềm lực sẽ là tiền đề để xây dựng một Eximbank minh bạch, phát triển bền vững, hướng đến tầm nhìn dài hạn, loại bỏ tâm lý “ăn xổi ở thì”.
Một cơ cấu quản trị điều hành ổn định, vững vàng sẽ là nền tảng giúp ngân hàng phát triển lâu dài, tránh những xáo trộn liên tục cả từ thị trường lẫn nội bộ – những yếu tố từng khiến chúng ta gặp không ít khó khăn, phần lớn là do chính chúng ta tạo ra. Và điều đó, chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế tối đa.
Về câu hỏi liệu sắp tới có thay đổi lớn nào không, tôi cho rằng, thay đổi lớn nhất của Eximbank trong nhiệm kỳ VIII chính là “bộ mặt mới”, thay đổi cả về hình ảnh thương hiệu, vị thế trên thị trường cũng như quy mô vốn hóa. Những thay đổi đó sẽ được thể hiện qua giá trị cổ phiếu và mức độ vốn hóa của Eximbank trên thị trường.
- Vì sao ngân hàng muốn khóa "room" ngoại ở mức 6%
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Hiện nay, Eximbank đang bước vào một quá trình phát triển mới. Chính vì vậy, nhiều đối tác nước ngoài đang rất quan tâm đến tiềm năng phát triển của ngân hàng trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng đang có những tiếp cận sơ bộ với rất nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó có nhiều tổ chức rất lớn, mang tầm vóc thế giới.
Kỳ vọng của họ là mong muốn đồng hành cùng ngân hàng dưới vai trò là đối tác chiến lược, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn và cổ đông gần lớn. Đối tác chiến lược thông thường sẽ nắm giữ khoảng 15% vốn, đối tác lớn khoảng 5%, đối tác gần lớn khoảng 4%.
Cộng tất cả các tỷ lệ đó lại, cùng với gần một chục đối tác mà chúng tôi đang bắt đầu tiếp cận, thì con số rơi vào khoảng gần 24%. Chúng tôi lấy con số 30% trừ đi 24% thì còn lại 6%. Chúng tôi mong muốn giới hạn ở mức 6%, phần còn lại 24% dành cho sự phát triển lâu dài của Eximbank.
Tất nhiên, tỷ lệ này sẽ phụ thuộc vào ý chí của tất cả quý vị cổ đông trong từng năm tại đại hội cổ đông.
- Chiến lược dài hạn của Eximbank trong giai đoạn tới là gì?
Ông Nguyễn Cảnh Anh – Chủ tịch HĐQT: Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành Eximbank đều đánh giá việc xây dựng chiến lược trung và dài hạn cho ngân hàng là một công việc bắt buộc phải thực hiện, phải làm một cách rất bài bản. Do đó, chúng tôi không thể tự làm một mình, nhưng đồng thời cũng không thể dựa hoàn toàn vào tư vấn.
Hiện tại, chúng tôi đang tự đánh giá lại bản thân mình, tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng kết hợp khá nhiều đơn vị tư vấn chiến lược quốc tế để lên kế hoạch triển khai xây dựng chiến lược ngân hàng trong thời gian sớm nhất.
Mục tiêu là xây dựng một ngân hàng có bản sắc, minh bạch, an toàn, hiệu quả. Một ngân hàng có khả năng phục vụ khách hàng, kiến tạo giá trị cho khách hàng, cũng như có khả năng ứng xử có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, và đem lại những lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
- Định hướng, mục tiêu kinh doanh của ngân hàng năm 2025 là gì? Ngân hàng sẽ tập trung vào đâu? Tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung vào nhóm khách hàng nào?
Ông Nguyễn Cảnh Anh: Trong năm 2025, Eximbank sẽ định hướng tập trung xoay quanh ba mục tiêu lớn của ngân hàng, đó là tăng trưởng, hiệu quả và an toàn.
Về tăng trưởng, đối với tín dụng, Eximbank xác định tăng trưởng có chọn lọc. Ngân hàng sẽ tập trung vào các phân khúc khách hàng tiềm năng nhưng an toàn, trên cơ sở tận dụng lợi thế, thế mạnh của ngân hàng ở các mảng bán lẻ, xuất nhập khẩu và tài trợ thương mại.
Đối với huy động, chúng tôi sẽ tăng trưởng tập trung vào nguồn vốn giá rẻ, đặc biệt là đẩy mạnh số dư CASA tự nhiên. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc gia tăng tiện ích khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ để đưa Eximbank trở thành ngân hàng chính của khách hàng.
Song song với tăng trưởng tín dụng và huy động, Eximbank cũng sẽ tập trung vào chiến lược nâng cao thu nhập ngoài lãi và các khoản thu nhập phí, đặc biệt ở những lĩnh vực mà ngân hàng vốn đã có thế mạnh như tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.
Về hiệu quả, trong năm 2024, chúng tôi đã triển khai một số biện pháp, và sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình bán hàng, cung cấp dịch vụ theo hướng tinh gọn, tập trung hóa vận hành để nâng cao năng suất. Eximbank cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng dữ liệu lớn (big data) và AI để tối ưu chi phí hoạt động.
Về an toàn, HĐQT và Ban điều hành coi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tất cả các hoạt động của ngân hàng năm 2025. Eximbank sẽ tiếp tục củng cố hệ thống quản trị rủi ro theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nâng cấp và cải tiến phương pháp nhằm đảm bảo quản trị rủi ro một cách toàn diện, nhận diện sớm, cảnh báo sớm, qua đó duy trì chất lượng tài sản, thanh khoản và vốn vững chắc.
- Thách thức của ngân hàng trong năm 2025 là gì?
Ông Nguyễn Cảnh Anh: Chúng tôi đánh giá năm 2025 là một năm bất ổn, nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, trong nguy có cơ. Và chúng tôi tin rằng năm 2025 cũng sẽ mang lại những cơ hội đáng kể cho ngành ngân hàng.
Cơ hội sẽ đến với ai? Cơ hội sẽ đến với những tổ chức biết kiểm soát tốt rủi ro, tăng trưởng có chọn lọc, quản trị vốn hiệu quả, chuyển đổi số đúng bản chất và nhanh chóng.
Sự kiên định với chiến lược, khả năng thích ứng linh hoạt và sự đồng lòng của toàn thể nhân viên sẽ là những yếu tố tiên quyết giúp các ngân hàng đạt được mục tiêu. Eximbank chúng tôi kiên định với mục tiêu đã đề ra và quyết tâm trở thành một trong những tổ chức tận dụng được cơ hội trong năm 2025.
- Vì sao năm nay không trả cổ tức?
Ông Nguyễn Cảnh Anh: HĐQT rất thấu hiểu và trân trọng mong muốn của tất cả cổ đông liên quan đến câu chuyện cổ tức.
Tuy nhiên, như đã đề cập, năm 2025 là một năm dự báo nhiều bất ổn, không chỉ ở phạm vi quốc tế mà cả trong nước. Đồng thời, trong chiến lược dài hạn của Eximbank, chúng tôi đang triển khai nhiều bước chuẩn bị quan trọng nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro và đảm bảo sự an toàn hoạt động của ngân hàng.
Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất theo Basel III cũng như các yêu cầu ngày càng cao từ cơ quan quản lý ngành ngân hàng trong nước.
Chính vì vậy, HĐQT đã cân nhắc rất kỹ và đi đến một quyết định mà tôi cho rằng là một quyết định mang tính chủ động và có tính chiến lược, đó là chưa thực hiện chia cổ tức trong năm 2025.
Việc không chia cổ tức trong năm nay không xuất phát từ yếu tố tiêu cực nào, mà thực chất là một lựa chọn có tính toán để đảm bảo nền tảng tài chính vững chắc cho ngân hàng. Qua đó, chúng tôi có thể chủ động ứng phó trước các biến động của thị trường và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc giữ lại nguồn lực cũng giúp chúng tôi đầu tư mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là công nghệ và chuyển đổi số - những yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của Eximbank trong trung và dài hạn.
Chúng tôi tin rằng, với định hướng như vậy, Eximbank trong giai đoạn tới sẽ phát triển an toàn, hiệu quả, vững chắc, bền vững, và quan trọng hơn là gia tăng giá trị thực cho cổ đông. Giá trị đó có thể không chỉ thể hiện ở cổ tức tiền mặt trong ngắn hạn mà còn thể hiện qua giá cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường, cũng như vị thế của Eximbank trên thị trường tài chính.
Người Gelex được bầu vào HĐQT
AGM 2025 của Eximbank đã tiến hành bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ mới 2025 – 2030 với 5 thành viên, trong đó có 2 ứng viên là thành viên HĐQT đương nhiệm: Ông Nguyễn Cảnh Anh (Chủ tịch HĐQT) và bà Đỗ Hà Phương (Phó Chủ tịch HĐQT).
Một ứng viên đáng chú ý khác là ông Phạm Tuấn Anh (SN 1976), người có 26 năm kinh nghiệm làm việc trong hệ thống CTCP Tập đoàn Gelex (Mã CK: GEX) – cổ đông lớn công khai lớn nhất của Eximbank với tỷ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ.
Ông Tuấn Anh từng giữ các vị trí như Kế toán trưởng Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (nay là Gelex), thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên của Gelex. Ngoài ra, ông còn là Phó Tổng giám đốc CTCP Điện lực Gelex (Gelex Electric - Mã CK: GEE), Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM).
Để đảm bảo tuân thủ quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2024, ông Phạm Tuấn Anh sẽ từ nhiệm tất cả các vị trí trong hệ thống Gelex trước thời điểm đại hội Eximbank tiến hành bầu thành viên HĐQT.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Cảnh Anh, bà Đỗ Hà Phương, ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang
Hai ứng viên HĐQT độc lập còn lại là ông Hoàng Thế Hưng (SN 1981) và bà Phạm Thị Huyền Trang (SN 1982).
Trong đó, bà Phạm Thị Huyền Trang có trình độ Thạc sĩ Tài chính ngân hàng, từng có 12 năm công tác tại VietinBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Giám đốc Chi nhánh TP. Hà Nội, Trưởng phòng Phê duyệt tín dụng, Phó Giám đốc khối Phê duyệt tín dụng… Bà Trang cũng từng công tác tại Sun Group và Tập đoàn Đèo Cả.
Ông Hoàng Thế Hưng là Kỹ sư Công nghệ thông tin với hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và giải pháp số, từng giữ các chức vụ như Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance). Hiện, ông Hưng là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt (Mã CK: VFS).
Ngoài việc bầu HĐQT, AGM 2025 của Eximbank cũng tiến hành bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới với 5 thành viên, bao gồm: Bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu.
Trong đó, bà Doãn Hồ Lan – như một thành viên DFF.VN đã chỉ ra ở bài viết cũ – là một "người gốc Amber Capital" đúng nghĩa. Mà 'Group' Amber Capital, như đã biết, là một nhóm cổ đông 'có tiếng nói' và cũng đang giữ nhiều "ghế nóng" ở Eximbank, bao gồm cả 'ngôi' Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Cảnh Anh hay 'ghế' Quyền Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Hoàng Hải.

Chốt mục tiêu lãi 5.200 tỷ đồng, không chia cổ tức năm 2024
Năm 2025, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm trước.
Mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%; huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, Eximbank quyết định không chia cổ tức, mục đích nhằm củng cố năng lực tài chính.
Khóa "room" ngoại ở mức 6%, chấm dứt chủ trương xây trụ sở ở TP. HCM
Nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank cũng như thu hút các nhà đầu tư chiến lược, AGM 2025 của Eximbank đã thông qua việc khóa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 6% vốn điều lệ.
Theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), cập nhật đến ngày 28/4, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank là 4%, room ngoại còn trống lên tới gần 485,2 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng 25,96%.
Ngoài những nội dung trên, đại hội cũng thông qua phương án chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM. Trước đó, ban lãnh đạo Eximbank đã trình EGM 2024 xem xét nội dung này, song tờ trình không được thông qua./.