Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

AGM 2025 API: 46 cổ đông đại diện cho 60% vốn tham dự, tự tin mục tiêu lãi 80 tỷ đồng

14:03 20/05/2025

Chiều nay (20/5), CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (mã CK: API) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).

Ban chủ tọa điều hành AGM 2025 của API

Theo đó, AGM 2025 của API có sự tham dự của 46 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 51,1 triệu cổ phần, chiếm 60,85% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

API là một trong ba trụ cột chính thuộc hệ sinh thái Apec Group, bên cạnh CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (mã CK: APS) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã CK: IDJ). Cả ba doanh nghiệp hiện đều đang niêm yết trên sàn HNX.

Trong thư mời họp gửi cổ đông gần một tháng trước, ban lãnh đạo API đã chủ động xây dựng kịch bản cho khả năng đại hội bất thành. Cụ thể, nếu phiên họp lần 1 không đủ điều kiện tiến hành, công ty dự kiến tổ chức AGM 2025 lần 2 vào ngày 5/6.

Động thái này gây nhiều bất ngờ, bởi trong nhiều năm trở lại đây, đại hội thường niên của API gần như luôn diễn ra suôn sẻ ngay từ lần họp đầu tiên.

Năm ngoái, AGM 2024 của API ghi nhận sự tham dự của 36 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 52,5 triệu cổ phần, tương đương 62,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Một điểm nhấn đáng chú ý là sự hiện diện của ông Nguyễn Đỗ Lăng – người được giới đầu tư xem như “linh hồn” của nhóm Apec Group. Sự xuất hiện của ông Lăng tại AGM 2024 được xem là màn tái xuất sau gần một năm vắng bóng, kể từ khi ông cùng loạt nhân sự cấp cao thuộc nhóm Apec Group bị Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 của API

Phần thảo luận:

Cổ đông: Ban lãnh đạo có biện pháp gì để thu hồi các khoản vay đối với Apec Bắc Ninh, Du lịch Kim Bôi, Apec Group?

Ông Nguyễn Đức Quân – Chủ tịch HĐQT: Khoản vay không có tài sản đảm bảo tại Công ty TNHH APEC Bắc Ninh là 7 tỷ đồng, giá trị không lớn. APEC Bắc Ninh trước đây là công ty con của APEC IDJ, nên việc hỗ trợ tài chính giữa các công ty trong cùng tập đoàn là bình thường. Khoản vay này dễ thu hồi do không quá lớn.

Đối với các khoản vay của các công ty khác thì đều có tài sản đảm bảo lớn. Trong quá trình triển khai dự án, nếu khoản vay gặp khó khăn hoặc không có khả năng thu hồi, công ty sẽ tiến hành thu hồi tài sản đảm bảo, là cổ phần và quỹ đất của các dự án. Các tài sản này đã được kiểm soát và đảm bảo không có thất thoát.

- Số dư tạm ứng cho cán bộ nhân viên khi triển khai dự án là 91,8 tỷ đồng, đến nay chưa thu hồi. HĐQT có biện pháp gì để thu hồi khoản này?

Ông Nguyễn Đức Quân: Đây là các khoản tạm ứng liên quan đến triển khai dự án, mua bán – sáp nhập (M&A). Để triển khai nhanh, công ty giao cho một số cán bộ nhân viên cầm số tiền này để thực hiện đầu tư như gom quỹ đất, mua cổ phần các công ty sở hữu dự án (bất động sản, tòa nhà, khách sạn, văn phòng...). Khi kết thúc quá trình đầu tư, công ty sẽ thu hồi tài sản đảm bảo (cổ phần dự án, quỹ đất mua từ người dân), sau đó lập dự án.

Nếu quá trình triển khai chưa thuận lợi, chưa sử dụng hết số tiền, HĐQT sẽ yêu cầu hoàn lại trong năm 2025 để sử dụng cho dự án khác hoặc có kế hoạch cụ thể cho khoản tiền này.

- Dư nợ tài chính ngắn hạn trong báo cáo tài chính là 541 tỷ đồng. Năm trước, ông Nguyễn Đỗ Lăng từng chia sẻ khoản vay của API chỉ khoảng 190 tỷ đồng, tài sản lớn nên cổ đông có thể yên tâm. Đề nghị HĐQT chia sẻ rõ về vấn đề này?

Bà Vũ Thị Thanh Loan – Kế toán trưởng: Dư nợ vay trên báo cáo tài chính của API chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, có 320 tỷ đồng là khoản vay của dự án Apec Royal Park Huế. Đây là dư nợ liên quan đến các hợp đồng chưa thiện được pháp lý nên chưa chuyển sang hợp đồng mua bán.

Còn về khoản vay thực tế, công ty mẹ có khoảng 200 tỷ đồng là vay cá nhân; Apec Royal Park Huế vay 164 tỷ đồng tại ngân hàng – đã có hợp đồng tiền gửi tại chính ngân hàng đó làm tài sản đảm bảo.

Hiện, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của API là gần 300 tỷ đồng. Phải thu và hàng tồn kho là gần 1.000 tỷ đồng, đủ để đảm bảo các khoản vay. Mong cổ đông tin tưởng và yên tâm hơn.

- Năm ngoái, API đặt mục tiêu lãi 38 tỷ đồng nhưng thực tế báo cáo tài chính là lỗ. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi 78 tỷ đồng. HĐQT đánh giá thế nào về mục tiêu này?

Ông Nguyễn Đức Quân: Năm vừa rồi lỗ do vướng mắc pháp lý tại dự án Apec Royal Park Huế. Ban chỉ đạo Chính phủ đã cử đoàn thanh tra để tháo gỡ. Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành công tác pháp lý. Khi đó, sẽ hạch toán được doanh thu các dự án và có lợi nhuận.

Theo kế hoạch, đến 31/8, Ban chỉ đạo sẽ có kết luận và giải quyết vướng mắc. Dự kiến thu được 720 tỷ đồng doanh thu từ dự án tại Huế sau khi có quyết định pháp lý. Do đó, kế hoạch lãi 78 tỷ đồng trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Chốt mục tiêu lãi 78 tỷ đồng, bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát

AGM 2025 của API đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu đạt 279,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 78,6 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo API cho biết, trong năm 2025, công ty sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển các dự án bất động sản trên các quỹ đất đang sở hữu như: Apec Royal Park Huế, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Golden Palace Lạng Sơn… Đồng thời, công ty cũng sẽ đẩy mạnh triển khai dự án giáo dục đi vào hoạt động.

Ngoài ra, AGM 2025 của API cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thu Hương (SN 1993) theo đơn từ nhiệm ký ngày 20/5.

Đồng thời, đại hội cũng bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029 là bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1991) – trợ lý Chủ tịch API. Trước đó, bà Thơm từng công tác tại CTCP Thú y Xanh Việt Nam, CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á./.