Vũ Đức Thứ Tư, 9/4/2025, 18:26 (GMT+7)
Người theo dõi

1.000 tỷ USD "bốc hơi" khỏi thị trường crypto do cuộc chiến thuế quan

Ngay sau khi “bom thuế” phát nổ, thị trường tài sản số bị “thổi bay” gần 1.000 tỷ USD giá trị - tương đương mức giảm 26% tổng vốn hóa kể từ đầu năm.

S&P 500 cũng rơi thẳng đứng hơn 17%, đánh dấu đợt điều chỉnh mạnh nhất kể từ đại dịch 2020, theo báo cáo mới nhất của Binance Research.

Hiệu suất sinh lời của Crypto, vàng và S&P 500 (Nguồn: Binance Research)

Dòng tiền lập tức tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và đổ về các “hầm trú ẩn” truyền thống: Trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng, trong đó giá vàng liên tiếp lập đỉnh mới kể từ tháng 3.

Khi thị trường sợ hãi, vốn sẽ rút khỏi tài sản rủi ro - và crypto là nạn nhân lớn. Tổng vốn hóa thị trường tiền số lao dốc 26% từ đầu năm, riêng Bitcoin “đổ đèo” 19%, còn Ethereum “bốc hơi” hơn 40%. Memecoin, token AI và mảng game rớt hơn 50%.

Khảo sát từ giới quản lý quỹ càng cho thấy tâm lý “risk-off” rõ nét: Chỉ 3% chọn BTC là tài sản trú ẩn trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài, trong khi tới 58% ưu tiên vàng.

Crypto “chật vật” với tin tức chính sách

Ngay từ tháng 2, khi các đòn thuế đầu tiên nhắm vào Canada và EU, Bitcoin đã lao dốc 15% chỉ trong vài ngày. Độ biến động 1 tháng của ETH vọt lên trên 100%, mức cao nhất kể từ đợt sập năm 2020. Bitcoin cũng không ngoại lệ, với biến động vượt ngưỡng 70%.

Thông thường, biến động sẽ giảm dần khi thị trường “tiêu hóa” xong chính sách. Nhưng hiện tại, với mức thuế "chưa thấy trần" và nguy cơ leo thang trả đũa từ các đối tác, biến động cao sẽ còn kéo dài.

Thuế quan đã thổi bùng lạm phát tại Mỹ. Giá nhập khẩu tăng vọt đúng lúc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng kéo lạm phát về mức 2%. 

Song song đó, tăng trưởng toàn cầu bị đe dọa: Các nhà phân tích cảnh báo chiến tranh thương mại có thể khiến kinh tế thế giới mất 1.400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người Mỹ giảm gần 1%.

Kịch bản "stagflation" - lạm phát cao kèm tăng trưởng chậm - đang hiện hữu, đặt Fed vào thế tiến thoái lưỡng nan: Tăng lãi suất giữa suy thoái hay để lạm phát vượt tầm kiểm soát. 

Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận tác động lớn từ thuế quan, trong khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025, trái ngược hoàn toàn với dự đoán chỉ 1 lần trước đó.

Bitcoin mất hào quang "vàng số"

Đầu năm, khi thuế quan "manh nha", tương quan 30 ngày giữa Bitcoin và S&P 500 giảm xuống (-0,32). Nhưng đến tháng 3, con số này bật ngược lên 0,47, cho thấy crypto bị cuốn theo làn sóng bán tháo chung.

Ngược lại, tương quan với vàng rơi xuống (-0,22) khi nhà đầu tư chọn kim loại quý làm bến đỗ an toàn.

Dù vậy, dữ liệu dài hạn cho thấy mối liên hệ giữa Bitcoin và các tài sản truyền thống không quá chặt chẽ (tương quan trung bình với cổ phiếu ~0,32, với vàng ~0,12). Điều này hàm ý rằng sự sụt giảm hiện tại có thể chỉ là phản ứng ngắn hạn trước áp lực vĩ mô.

Tương quan Bitcoin với S&P 500 và vàng (Nguồn: Binance Research)

Nhìn về phía trước, nhóm nghiên cứu Binance cảnh báo rằng bất ổn địa chính trị và kinh tế dai dẳng có thể tiếp tục che khuất triển vọng giá trị dài hạn của crypto:

“Đây là đợt áp thuế mạnh tay nhất kể từ thập niên 1930, và các tác động của nó đang lan rộng ra cả nền kinh tế vĩ mô lẫn thị trường crypto. Trong ngắn hạn, crypto có thể vẫn duy trì mức độ biến động cao, khi tâm lý thị trường tiếp tục dao động theo từng diễn biến mới của cuộc chiến thương mại.”

Màn tái xuất của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ

Ngày 5/4, chính quyền Trump chính thức áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu. Ba ngày trước đó, trong sự kiện được ông Trump gọi là “Ngày Giải Phóng” (Liberation Day), Nhà Trắng tuyên bố một gói thuế khổng lồ lên tới 60 quốc gia, với các mức thuế trừng phạt tăng vọt. 

Hậu quả là thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ đã tăng vọt lên 18,8%, cao nhất kể từ Thế chiến II – thậm chí một số ước tính cho rằng con số thực có thể vượt 22%. So sánh nhanh: Năm 2024, mức thuế trung bình chỉ là 2,5%; ngay cả thời kỳ cao trào của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (2018-2019) cũng chỉ đạt ngưỡng 3%.

Tuy nhiên, báo cáo của Binance cũng để ngỏ một kịch bản phục hồi tiềm năng nếu các điều kiện nền tảng được cải thiện:

“Nếu điều kiện vĩ mô ổn định trở lại, xuất hiện các câu chuyện mới hoặc nếu crypto có thể tái khẳng định vai trò là công cụ phòng ngừa dài hạn – thị trường có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Nhưng cho tới lúc đó, thị trường khả năng cao sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ và phản ứng nhạy cảm với các tiêu đề kinh tế vĩ mô.”

Chia sẻ
Báo cáo
Vũ Đức Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên